BỆNH DA
|
MỤN TRỨNG CÁ
BS CKI. Hoa Tấn Dũng
I. ĐẠI CƯƠNG VỀ MỤN TRỨNG CÁ
- 1. Mụn trứng cá là gì
- Là một hiện tượng viêm nang lông, do tích tụ chất bã nhờn bài tiết từ tuyến bã ở da chưa được tống ra ngoài, từ đó hình thành nhân trứng cá,
- Vi khuẩn xâm nhập vào nhân sẽ làm cho mụn trứng cá trở nên viêm sưng, nóng, đỏ, đau và có mủ hay còn gọi là mụn bọc, mụn mủ.
- 2. Tuổi bị mụn trứng cá
Thông thường từ 13 – 25 tuổi,trứng cá tuổi dậy thì,
- Khoảng 30% sổ ca mụn trứng cá xảy ra ở người trung niên( tuổi từ 30 đến 50), đặc biệt gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
3.Vị trí xảy ra mụn trứng cá
- Bất cứ vị trí nào của bề mặt cơ thể miễn là ở đó có sự phân bố của tuyến bã nhờn, Vị trí được ưu tiên hàng đầu là mặt.
- Vị trí ưu tiên thứ 2 là ngực và lưng.
- Vị trí thứ 3 là 2 vai và 2 cánh tay.
II. NGUYÊN NHÂN VÁ CÁC YẾU TỐ THUẬN LỢI
1. Nguyên nhân
1.1.Do tăng tiết chất bã nhờn
Tyuến bã trực tiếp chịu ảnh hưởng dưới tác dụng của nội tiết tố kích dục nam Androgen, do đó:
- Khi có mất cân bằng nội tiết tố bên trong cơ thể, làm tăng kích tố Androgen sẽ làm cho tăng tiết bã nhờn và dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra mụn trứng cá.
- Tỉ lệ thuận với mật độ số lượng tuyến bã nhờn trên da của cá thể.
- Sự tăng tiết CBN còn chịu ảnh hưởng của men 5-alpha reductase có tác dụng kích thích tuyến bã, làm tăng tiết CBN gây nên da nhờn.
1.2. Sự rối loạn thành phần chất bã
Triglyceride dưới tác dụng xúc tác của men của vi khuẩn ở da sẽ tạo ra Acid béo tự do. Acid béo tự do làm tăng sừng hoá cổ tuyến bã, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Propionibacterium acne(P.acne) phát triển.
1.3. Sừng hoá cổ tuyến bã
Cổ nang lông bị hẹp lại, khi đó chất bã được bài tiết không thoát ra ngoài được, tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn P. acne phát triển và tiết ra men Lipase có tác dụng tăng sừng hoá cổ tuyến bã.
1.4. Do vi khuẩn
- Staphylococcus epidermidis
- Pityrosporum oral.
- P. acne có vai trò chính .
Qua 4 yếu tố trên cho ta thấy:
- Nếu chỉ có chất bã bài tiết thì chỉ chỉ có tăng bài tiết chất bã và có sừng hoá cổ tuyến bã, không có sự xâm nhập của vi khuẩn thì chỉ có tình trạng da nhờn mà thôi.
- Nếu có vai trò của vi khuẩn cộng tác vào sẽ hoá thành các dạng mụn mủ, mụn bọc…
- Nếu có tăng bài tiết chất bã và có mặt của vi khuẩn, nhưng cổ tuyến bã không bị sừng hoá thì không có mụn trứng cá mà chỉ có sợi mỡ và mùi hôi. Đây là trường hợp các bạn trẻ thường gọi là mụn tấm.
2. Các yếu tố thuận lợi
2.1. Di truyền: Nếu cha , mẹ có tiền sử bị mụn trứng cá thì có khoảng 45% thế hệ con cũng có nguy cơ bị mụn trứng cá, bởi có sự di truyền giống nhau về mặt cấu trúc và mật độ của tuyến bã nhờn trên da.
2.2. Thức ăn: Người có thói quen ăn nhiều dầu, mỡ, thức ăn cay nóng, nhiều gia vị và ăn uống nhiều thức uống ngọt, chocolate,caffee …
2.3. Thuốc và mỹ phẩm: Thông thường hay gặp 2 loại thuốc dễ gây ra mụn trứng cá nếu dùng lâu dài:
- Steroid
- Thuốc ngừa thai:
- Những chất có chứa Iods: Thuốc kháng giáp trạng, chất cản quang.
- Những chất có chứa Bromure: thuốc an thần, thuốc ho, long đờm.
- Những thuốc chống động kinh: Hydantoin, Gardenal..
- Các Androgene tổng hợp, một số Progestatifs tổng hợp.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Azathioprime, Cyclosporine.
- Thuốc kháng lao: Rimifon.
- B12, vì vậy nên một số người dùng thuốc bổ lâu ngày có thể xuất hiện mụn.
- Mỹ phẩm:
2.4. Kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là kết quả của sự mất cân bằng giữa 2 loại kích dục tố nam và nữ, làm cho kích dục tố nam Andrrogen tăng và kích dục tố nữ estrogenes giảm trước hoặc trong khi hành kinh.
2.5 Thức khuya: Thức khuya ( quá nửa đêm hoặc giấc ngủ bị rối loạn ngủ không sâu) làm cho tiến triển mụn trứng cá rộ hơn, cũng là nguyên nhân gây tăng tiết bã nhờn trên da là điều kiện tốt cho sự hình thành mụn trứng cá.
2.6. Thời tiết, khí hậu và môi trường làm việc
- Thời tiết, khí hậu sẽ làm cho tuyến bã nhờn tăng bài tiết thông qua cơ chế kích thích hệ thần kinh giao cảm.
- Môi trường làm việc một số nghề nghiệp gây nên trứng cá.
III. LÂM SÀNG VÀ DIỄN BIẾN CỦA TRỨNG CÁ
1. Các hình thái lâm sàng theo thương tổn:
1.1. Trứng cá thông thường (Acne vulgaris):
Đây là dạng thường gặp nhất. Bệnh bắt đầu ở tuổi dậy thì do sự tăng bộc phát của Adrogene. Tổn thương đa dạng với tăng tiết chất bã, comedon, sẩn viêm, sẩn mụn mủ, ổ abces.
1.2. Trứng cá bọc, cụm (Conglobata):
Bệnh thường xảy ra ở nam, ít gặp hơn ở nữ. Bệnh có thể là diễn biến của trứng cá thông thường, bệnh xảy ra ở tuổi muộn hơn, diễn biến dai dẳng mạn tính.
Tổn thương trên lâm sàng với thương tổn hỗn hợp: sẩn, mụn mủ, cục, abces lỗ rò và sẹo.
1.3. Trứng cá sét đánh (Acne fulminans):
Bệnh xuất hiện đột ngột, ồ ạt. Các tổn thương ở lưng, ngực nhanh chóng trở lên mềm, loét, điều trị khỏi dễ để lại sẹo. Bệnh thường xảy ra ở nam thanh niên trẻ tuổi, mặt thường ít ảnh hưởng. Bệnh nhân có sốt, tăng bạch cầu và thường có đau nhiều khớp, đau cơ và có các triệu trứng hệ thống khác.
1.4. Trứng cá cục( Acne nodule)
Hay gặp ở nam. Tổn thương nằm sâu hơn so với trứng cá thông thường. Trứng cá cục có thể abces hóa để lại sẹo. Bệnh thường phối hợp với các dạng trứng cá khác.
1.5. Trứng cá ở trẻ sơ sinh (Neonatal acne):
Thường ở bé trai, những tháng đầu sau sinh, xuất hiện ở má, tổn thương dạng cồi, có khi là sẩn viêm, ít khi có sẩn mủ. Tuy nhiên đôi khi có cả mụn bọc, vỡ, gây sẹo lõm.
Tiến triển thường lành tự nhiên, sau vài tháng xuất hiện. Nguyên nhân thường là hệ thống nang lông tuyến bã đáp ứng mạnh với Androgene của mẹ truyền sang hoặc thượng thận bé bị ức chế trong thời gian mang thai, sau sinh được dịp bùng phát.
2. Trứng cá theo nguyên nhân:
2.1. Trứng cá trầy xước:
Trứng cá nhẹ kèm theo trầy xước lan tỏa, dễ để lại sẹo. Bệnh hay xảy ra ở phụ nữ trẻ và rất khó điều trị.
2.2. Trứng cá do thuốc:
Tổn thương là các sẩn đỏ, mụn mủ nhỏ đồng đều. Tăng sắc tố sau viêm có thể xảy ra, nhưng comedon, nang, sẹo là ít gặp.
2.3. Trứng cá nghề nghiệp (occupational acne):
Đặc điểm trứng cá do các tác nhân này là viêm khá rõ, tổn thương đa dạng: nhiều comedon, cùng với sẩn, mụn mủ, cục. Các tổn thương không giới hạn ở mặt mà ở các vùng tiếp xúc kéo dài với yếu tố nguy cơ.
2.5. Trứng cá cơ học:
Phát ban dạng trứng cá đã được thấy sau những chấn thương cơ học lặp đi lặp lại nhiều lần ở trên da như là chà sát. Bệnh có thể xảy ra do quần áo (thắt lưng, đai da…), các thiết bị thể thao (mũ thể thao), hoặc băng gạc kín trên da.
2.6. Trứng cá muộn ở phụ nữ:
Đặc trưng bởi sự tái phát muộn ở phụ nữ 30-40 tuổi, nguyên nhân do nội tiết: sự tăng hócmon nam gốc buồng trứng hay thượng thận, thường kèm theo rậm lông, vô kinh hoặc ít kinh, rụng tóc…
2.7. Trứng cá đỏ (Acne rosacea)
Thường xảy ra ở phụ nữ tuổi trung niên, sau 30 tuổi với những sẩn đỏ, mụn mủ, triệu chứng chính là giãn mạch hình sao (Telangiectasia) ở mũi, má và trán. Bệnh thường là mạn tính, kéo dài nhiều năm với những thời kỳ vượng bệnh. Nếu những tổn thương da viêm sâu thường gây nên biến dạng mũi, mũi sư tử (Rhinophyma).
3 Diễn biến của mụn trứng cá:
Khi có sự tích tụ của chất bã nhờn ở nang lông sẽ có sự hình thành nhân trứng cá còn gọi là mụn cám, khi nhân trứng cá và nang tuyến hở lộ ra ngoài tạo thành mụn đầu đen hay nhân trứng cá hở( black heads – open comedones), khi nhân trứng cá chưa lộ ra ngoài gọi là mụn đầu trắng hay nhân trứng cá kín.
Khi có sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ gây nên hiện tượng viêm tại chỗ với sưng, nóng, đỏ, đau và hình thành những ổ áp xe nhỏ tại chỗ và lan rộng tạo nên nhiều hình thái mụn trứng cá khác.
4. Biến chứng:
Nếu không điều trị:
Nhẹ: có thể tự khỏi sau vài năm( trứng cá tuổi dậy thì). Trứng cá ở người lớn tuổi, thông thường trứng cá kéo dài lâu nhưng cũng sẽ tự khỏi khi cơ thể tự điều hòa về nội tiết, đề kháng.
Trung bình và nặng: không được điều trị sớm sẽ để lại sẹo: thâm, lõm, lồi, rỗ mặt ảnh hưởng rất lớn đến rhaamx mỹ.
Nặng và nghiêm trọng: nếu không điều trị sớm dễ nhiễm trùng lan tỏa hoặc nhiễm trùng huyết.
IV. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH VÀ CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
1. Chẩn đoán xác định: Chẩn đoán xác định dựa vào:
- Tổn thương: đa dạng gồm nhân, sẩn, trứng cá mủ, trứng cá bọc, nốt – nang, sẹo lồi, sẹo lõm.
- Vị trí: Ở những vùng da nhờn như: mặt, ngực, lưng, vai.
2. Chẩn đoán phân biệt: Phân biệt với các bệnh sau:
2.1.Viêm da quanh miệng:
Thường xảy ra ở phụ nữ, rất giống với trứng cá, tổn thương là những sẩn viêm và mụn mủ. Vị trí thường ở quanh miệng, cằm, nếp gấp mũi– má. Nguyên nhân chưa được hiểu tường tận. Nhiều tác giả cho rằng bênh xảy ra do phản ứng của da ở những người có tạng khô da hay viêm da cơ địa hoặc dùng một số mỹ phẫm dưỡng da không phù hợp.
2.2. Rôm sảy (Millia): thường xảy ra ở trẻ em, do sự tắt nghẽn ống dẫn tuyến mồ hôi nước. Gây nên viêm, những mô xung quanh, thường xảy ra trong mùa hè, phát ban là những sẩn nhỏ nhọn, đầu trắng.
2.3. Viêm nang lông
(Folliculitis) nang lông bị viêm bởi nhiễm khuẩn, kích thích hóa chất hay chấn thương vật lý. Viêm có thể nông hoặc sâu gây nên áp xe. Tổn thương là hồng ban, sẩn mụn mủ, ở bất kỳ chỗ nào của cơ thể, không đặc thù như trong trường hợp trứng cá.
IV. ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ
- 1. Mục tiêu điều trị:
- Sạch mụn
- Ngăn ngừa và giảm tỉ lệ mụn tái phát.
- Ngăn ngừa cũng như làm giảm thiểu sẹo do mụn trứng cá để lại.
- 2. Thời gian điều trị khỏi mụn trứng cá:
- Nhẹ : 4- 8 tuần
- Trung bình : 3-4 tháng
- Nặng : 5- 6 tháng
- Nghiêm trọng: Một năm hoặc hơn.
- 3. Sự phối hợp trong điều trị:
3.1. Bác sĩ: Chẩn đoán và xác định cấp độ , từ đó chỉ định thuốc và các phương pháp điều trị hỗ trợ, như lấy bớt mụn đã chín mùi,
3.2. Bản thân người bệnh: cần phải trung thành với những gì bác sĩ đã tư vấn, dặn dò về ăn uống, nghỉ ngủ…không nên tự ý làm bất cứ điều gì có liên quan đến sự nặng thêm của trứng cá cả trong khi điều trị và cả sau khi kết thúc điều trị.
4.Nguyên tắc: Tuỳ vào cấp độ nghiêm trọng mà bác sĩ chỉ định phát đồ thích hợp. Phải kết hợp giữa điều trị tại chỗ và toàn thân. thuốc điều trị phải đạt được 3 mục đích sau đây:
4.1. Chống lại sự tăng bài tiết chất bã:
- Đối với phụ nữ có thể dùng các loại Oestrogen như Ethinyl oestradion .Spironolactone.
- Đối với nam: Có thể dùng Andocur; cimetidin liều cũng có tác dụng ức chế sản xuất chất bã.
- Các chất làm giảm nhờn như biotin, vitamin B6, kẽm.
4.2. Chống lại sừng hoá cổ tuyến bã
- Dùng ngoài:
+ Tretinoin dưới các dạng dung dịch 0,05%, gel 0,01-0,25%, cream 0,025-0,05 % . loại này thoa vào ban đêm và chỉ định dùng cho tất cả các thể của mụn trứng cá trừ trứng cá đỏ.
+ Tazarotene (Tazorac) là một loại Retinoid mới được lưu hành ở dạng kem, gel với nồng độ 0,05%, 0,1%. Có tác dụng hiệu quả hơn tretinoin, để giảm số lượng các sẩn viêm, nhân trứng cá. Độ dung nạp thuốc tốt hơn các loại tretinoin.
+ BenZoyl Proxyd : Có tác dụng chống lại vi khuẩn và góp phần chống sừng hoá cỏ tuyến bã. Thoa ngày 2 lần sáng và tối .
+ Azelaic acide 20%, (Anzela) có tác dụng chống sừng hóa cổ tuyến bã, kháng viêm và diệt khuẩn. Hiệu quả cho cả trứng cá viêm và trứng cá không viêm, dùng điều trị trứng cá trung bình.
- Dùng uống :
+ Acide retinoid. Loại này vừa có tác dụng chống lại sừng hoá cổ tuyến vừa có tác dụng làm giảm số lượng vi khuẩn P. acne. thường chỉ dùng trong các trường hợp trứng cá nặng, dai dẳng, trứng cá bọc, nang, cụm.
Không dùng ở phụ nữ có thai, không được có thai trong thời gian điều trị và sau khi ngưng điều trị 1 tháng, trong thời kỳ cho con bú. Không dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi.
+ Các thuốc khác như vitamin B2, Biotin, kẽm.
4.3. Chống nhiễm khuẩn:
- Tại chỗ: Có thể dùng các loại thuốc sau: BenZoyl Peroxyd, Clindamycin 1% , Erytromycin 4%, Metronidazol 1% dưới dạng gel,cream .
- Loại phối hợp cả Tretinoin với kháng sinh để vừa chống lại vi khuẩn vừa chống lại sừng hoá cổ tuyến bã: Erylid ( pháp), Hiteen gel (korea).
- Differin dạng gel, chứa hoạt chất Adapallen (pháp) cũng vừa có tác dụng giảm tiết bã vứa có tác dụng chống nhiễm khuẩn khá tôt.
- Dùng uống: Tuỳ theo cá thể và tuỳ vào lâm sàng mà có thể quyết định Dùng một trong các loại kháng sinh sau:
+ Tetracyclin
+ Doxyciclin
+ Minocycline
+ Metronidazol
+ Erytromycine:
+ Clarithromycin:
+ Clindamycin; Dalacin- T:
+ Azithromycine
+ Dapson
4.4. Điều trị bằng ánh sáng:
- Bức xạ cực tím A và B (UVA, UVB)
- Ánh sáng xanh.
- Kết hợp ánh sáng đỏ và ánh sáng xanh.
- Liệu pháp quang động (Skin photodynamic therapy: PDT).
- Điều trị bằng Laser.
- 5. Phòng bệnh và phòng biến chứng:
5.1. Rửa mặt: Có thể rửa mặt với các loại sửa, dung dịch, xà bông thuốc có tác dụng làm mềm da, tẩy nhờn và không kích ứng da mặt. lưu ý chỉ cần rửa ngày 2 hoặc 3 lần là vừa, rửa mặt rất hết sức nhẹ nhàng, không nên chà xát mạnh sẽ làm tổn thương da mặt.
5.2. Thận trọng khi nặn mụn
Thao tác nặn mụn thuộc về bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bởi vì nếu người không có kỹ thuật nặn mụn rất dễ làm tổn thương làn da, khi nặn không đúng kỹ thuật sẽ vô tình làm cho vi khuẩn và chất bã đi vào sâu hơn, tạo điều kiện cho mụn dễ trở thành mụn bọc, mụn mủ và abces.
5.3. Lưu ý khi đắp mặt bằng trái cây
Khi đắp mặt bằng các loại trái cây như dưa leo, cà chua, nha đam…nên biết rằng trong chúng có chứa nhiều vitamin C và có cả acide Malic dễ gây kích ứng và phản ứng dị ứng, đắp mặt với nha đam có thể có tác dụng mát da, săn da, giảm nhăn, nhưng sau khi đắp, thành phần có trong nha đam được hấp thu vào da làm làn da trở nên dễ bắt nắng gây sạm da.
5.4. Không dùng các loại mỹ phẩm nếu không được bác sĩ đồng ý hoặc chưa được chuyên gia thẫm mỹ tư vấn.
5.5. không bôi bất kỳ thuốc gì lên mặt khi chưa được bác sĩ cho phép.
5.6. An uống: giảm ngọt, giảm chất béo, giảm gia vị và các chất kích thích.
5.7 .Ngủ đủ giấc, tránh stress,
Tin mới
- Á SỪNG-LÀM GÌ ĐỂ TRÁNH TÁI PHÁT ? - 19/07/2024 04:46
- CÁC NHIỄM KHUẨN DA THƯỜNG GẶP VÀO MÙA NẮNG NÓNG - 23/08/2020 03:46
- LƯU Ý KHI ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ - 23/12/2019 03:50
- LIÊN QUAN GIỮA BỆNH GAI ĐEN VÀ NỘI KHOA - 23/12/2019 03:45
- VAI TRÒ CỦA NƯỚC ĐỐI VỚI LÀN DA - 01/12/2018 03:55
- HƯỚNG DẪN: CHẩN ĐOÁN, ĐIềU TRị BệNH TAY - CHÂN - MIệNG - 02/07/2016 04:23
Các tin khác
- PHÂN BIỆT GIỮA ZONA, BỆNH VIÊM DA DO CÔN TRÙNG VÀ HERPES DA - 07/02/2015
- ĐIỀU TRỊ LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG NHƯ THẾ NÀO - 06/12/2014
- ĐIỀU TRỊ BỆNH VẢY NẾN NHƯ THẾ NÀO - 06/12/2014
- CÁCH ĐIỀU TRỊ MỚI BỆNH VẢY NẾN - 01/03/2014
- CÁCH ĐIỀU TRỊ MỚI VỀ VẢY NẾN - 25/02/2014
- ĐAU THẦN KINH SAU ZONA ĐIỀU TRỊ THẾ NÀO? - 14/09/2013
- SINH TỐ, KHÓANG CHẤT TRONG BỆNH DA - 28/11/2012
- DINH DƯỠNG TRONG BỆNH DA - 28/11/2012
- ĐIỀU TRỊ BỆNH VẢY NẾN - 22/11/2012
- VIÊM DA ĐẦU CHI RUỘT - 08/11/2012