BỆNH NIÊM MẠC
|
PHÂN BIỆT NHIỆT MIỆNG VỚI UNG THƯ LƯỠI VÀ MỘT SỐ BỆNH NỘI KHOA CÓ TRIỆU CHỨNG TẠI LƯỠI
- I. PHÂN BIỆT NHIỆT MIỆNG VỚI UNG THƯ LƯỠI:
Ung thư lưỡi là một trong số các căn bệnh ung thư thường gặp hiện nay. Bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng con người và hiện vẫn chưa có phương pháp chữa trị hữu hiệu. Nguy hiểm hơn, những người bị bệnh ung thư lưỡi thường được phát hiện muộn gây khó khăn cho việc điều trị. Theo thống kê, có tới 90% bệnh nhân bị ung thư lưỡi khi đến khám và điều trị thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bởi trước đó, có không ít người nhầm tưởng những dấu hiệu của căn bệnh này với nhiệt miệng thông thường. Do đó, cần phải có cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh ung thư lưỡi.
Bệnh ung thư lưỡi xảy ra là do nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm: việc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ khiến cho lưỡi bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm nhiễm, nhiều người có thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá… Những nguyên nhân này tưởng chừng như phổ biến ở bất kỳ một bệnh nào thuộc hệ thống răng miệng. Nó cũng là những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư lưỡi, chỉ khác là đối với căn bệnh này, các nguyên nhân thường có sự kết hợp với nhau và thúc đẩy nhau tạo nên bệnh.
Thông thường các dấu hiệu của bệnh ung thư lưỡi dễ bị nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng như sau: khi người bệnh thấy trên lưỡi mình có xuất hiện các mảng đốm trắng hay màu đỏ thì thường cho rằng đây là do nhiệt trong cơ thể mà sinh ra nhiệt miệng nên đương nhiên là dùng các cách thông thường chữa nhiệt miệng để áp dụng. Lâu dần, các đốm trắng này xuất hiện ngày càng nhiều và sâu hơn gây khó khăn lớn cho việc sinh hoạt, ăn uống thì người bệnh mới đi khám và chữa trị.
Khi thấy lưỡi có biểu hiện xuất hiện các đốm màu trắng hoặc đỏ, bị lở loét gây khó chịu và ngày càng lan rộng hoặc sâu hơn thì tốt nhất là bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa về Da liễu để được các bác sĩ chuyên khoa khám và chẩn đoán.
Các dấu hiệu của bệnh ung thư lưỡi không chỉ dùng lại ở đó, khi các mảng đốm này xuất hiện, phần giữa của nó thường mềm và dễ chảy máu, lở loét do bị chà xát nhiều trong quá trình sinh hoạt. Đây cũng là một biểu hiện sớm thường gặp nhất cho biết bạn có thể bị ung thư lưỡi.
Cổ họng của bạn bị đau mỗi khi nuốt nước miếng hay thức ăn cũng là một biểu hiện của bệnh ung thư lưỡi chứ không đơn thuần chỉ là do mệt mỏi hay viêm nhiễm tuyến nước bọt hay đau họng.
Một biểu hiện nữa có thể dễ dàng nhận thấy của bệnh ung thư lưỡi là lưỡi và miệng có cảm giác bị tê, lưỡi khó di chuyển do bị dày lên hoặc đau, há miệng khó và nhất là giọng nói có phần bị thay đổi.
Nếu bạn đã bị ung thư lưỡi thì một triệu chứng thường thấy nữa là tai bạn cũng sẽ bị đau và một phần mặt sau của cổ họng cũng bị sưng.
Những dấu hiệu này về cơ bản là rất dễ nhận thấy. Vấn đề là hiểu biết và mức độ quan tâm của bạn như thế nào khi phát hiện những thay đổi khác lạ trên cơ thể của mình để có biện pháp chữa trị.
II. DỰA VÀO NHỮNG DẤU HIỆU Ở LƯỠI ĐỂ ĐOÁN BỆNH
1. Lưỡi có lớp phủ màu trắng
Khi lưỡi xuất hiện một lớp phủ màu trắng dày, có thể lưỡi bị nhiễm trùng, sưng tấy, hoặc có thể là dấu hiệu của bệnh tưa miệng, nhiễm nấm candida (hay còn gọi là nấm men). Với bệnh này, chúng ta có thể điều trị bằng thuốc diệt nấm đặc trị hoặc làm vệ sinh lưỡi thường xuyên để lưỡi trở lại trạng thái bình thường.
2. Lưỡi có màu sậm hoặc đen
Lưỡi có màu sậm tối hoặc đen là biểu hiện sức khỏe có vấn đề có thể do lối sống, chế độ ăn uống hoặc việc sử dụng thuốc. Tác dụng phụ của thuốc bismuth (như Pepto Bismol: Thuốc trị tiêu chảy, hoặc viêm loét dạ dày, tá tràng) làm lưỡi tạm thời chuyển sang màu đen.
3. Lưỡi mọc lông
Nếu lưỡi giống như mọc lông, có thể nguyên nhân là do dùng thuốc kháng sinh, lưỡi bị nhiễm khuẩn hay do khô miệng làm lưỡi bị mất nước.
Hiện tượng lưỡi mọc lông có thể do cơ thể bị mất nước
4. Lưỡi có nốt đỏ
Khi lưỡi có những nốt đỏ hay vết loét có thể là do cảm lạnh, sốt, ăn uống nhiều loại trái cây như cam quýt hoặc do cắn vào lưỡi. Những vết loét bình thường sẽ lành lại và biến mất trong vòng 1 tuần đến 10 ngày nhưng nếu kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư miệng. Trong trường hợp này, bạn nên đi đến bác sỹ để được khám và điều trị kịp thời.
5. Lưỡi có vết như hình bản đồ
Khi trên lưỡi có những vết như hình bản đồ, viền màu trắng, phía trong đỏ đậm hơn màu lưỡi bình thường và dần dần loang rộng ra là biểu hiện của bệnh viêm lưỡi bản đồ. Đây không phải là một bệnh lý nghiêm trọng. Những vết thương tổn có thể thay đổi về hình dạng, kích cỡ và vị trí theo từng ngày, thậm chí là từng giờ.
6. Bề mặt lưỡi sần sùi
Bề mặt lưỡi sần sùi có thể là do lưỡi bị viêm và có cảm giác đau. Nếu là những vết loét bình thường thì tình trạng này không nghiêm trọng và sẽ hết trong một vài ngày. Nhưng nếu nó chuyển sang màu đỏ hoặc màu trắng, đau và không biến mất, nó có thể là một dấu hiệu của ung thư miệng.
7. Lưỡi có màu đỏ và đau
Khi lưỡi màu hồng đột nhiên biến thành màu đỏ có thể là dấu hiệu thiếu vitamin B3, thiếu máu hoặc thiếu acid folic và vitamin B12.
8. Lưỡi chuyển sang vàng
Màu vàng trên lưỡi có thể là do lưỡi nhiễm một số loại nấm hoặc vi khuẩn trong miệng. Một nguyên nhân khác có thể do dạ dày trào ngược. Đôi khi, những thay đổi màu sắc của lưỡi chỉ xuất hiện trong một khoảng nhỏ là do cơ địa. Trong trường hợp đó, một số vùng trên lưỡi có màu vàng trong khi các khu vực khác vẫn bình thường và màu hồng.
9. Lưỡi nóng rát
Hiện tượng nóng rát miệng và lưỡi là triệu chứng phổ biến nhất ở phụ nữ sau mãn kinh. Các nguyên nhân khác có thể do nhiễm khuẩn, miệng khô hoặc thiếu dinh dưỡng.
10. Lưỡi có màu nhợt nhạt và mịn
Khi một người bị thiếu máu do thiếu sắt, lưỡi sẽ trở nên nhợt nhạt và mịn. Đó là bởi vì khi cơ thể bạn thiếu sắt, máu không mang đủ oxy cần thiết đến các mô (gồm cả lưỡi) để lưỡi có màu đỏ hồng. Do vậy, bạn cần bổ sung chất sắt cho cơ thể bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất sắt như các loại thịt màu đỏ, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, sò, trai, bắp cải, cải xoong, hạt mè, hạnh nhân…
Khi một người bị thiếu máu do thiếu sắt, lưỡi sẽ trở nên nhợt nhạt và mịn