CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY RỤNG TÓC VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

www.dalieubacsidungquynhon.com

BỆNH RỤNG TÓC

CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY RỤNG TÓC

VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Hoa Tấn Dũng, tháng 9 năm 2008

Rụng tóc là một phản ứng bình thường, tạm thời trước một điều gì đó bạn vừa trải qua, chẳng hạn như phẫu thuật hay bị sốt. Rụng tóc cũng có thể là một đặc tính di truyền, vì vậy, bạn cần phải làm những gì tốt nhất để ngăn chặn và bù đắp cho sự thiếu hụt. Hoặc cũng có thể đó là dấu hiệu cảnh báo về sự thiếu chất hay mất cân bằng hóa học.

1. Sinh lý và đời sống của tóc

Theo một khía cạnh nào đó tóc chính là protein, mọc ra khoảng 1cm mỗi tháng, so với các mô khác trong cơ thể thì thế là rất nhanh. Tóc có tuổi thọ là 4 năm và mọc từ trong các nang tóc ở dưới da.

Có khoảng 120.000 nang tóc trên da đầu. Trung tâm sản xuất tóc là cuống tóc, tại đó tế bào thường xuyên phân tích và đẩy tế bào về phía trên theo chiều thẳng đứng. Từ đó tóc mọc lên. Ở phía dưới cuống tóc là papilla hoạt động như một kênh giao tiếp. Lượng máu cung cấp của cơ thể sẽ chảy qua papilla và bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho tóc mọc lên.

Khi bạn có đầy đủ tóc trên đầu, mỗi sợi tóc mọc trong 4 năm. Giai đoạn mọc tóc sẽ kéo theo sự chuyển tiếp ngắn và cuối cùng là giai đoạn nghỉ ngơi trong 2 – 3 tháng, sau đó tóc bị rụng khỏi da đầu và một sợi tóc khác mọc lên thế chỗ. Bình thường tóc rụng hằng ngày trung bình từ 50 sợi tới 100 sợi. Thông thường, bạn rụng tóc nhiều hơn khi dùng dầu gội đầu, do sự tác động của ngón tay lên tóc. Số tóc rụng khi gội đầu hoặc chải tóc là ở trong giai đoạn nghỉ ngơi, tức là chúng đã sẵn sàng để rụng xuống. Vì thế, cho dù bạn gội đầu hằng ngày hay chỉ 1 lần/tuần, thì tổng số tóc mất đi vẫn như nhau. Số tóc ở giai đoạn nghỉ ngơi thường chiếm 15% tổng số tóc trên đầu. Vì vậy, nếu nhiều hơn 20% tổng số tóc ở giai đoạn nghỉ ngơi thì tức là bạn bị rụng tóc quá nhiều ( trên lâm sàng sẽ thấy tóc rụng >100 sợi mỗi ngày). Khi bị rụng tóc bất thường như vậy thì cần tìm nguyên nhân để điều trị.

Tình trạng rụng tóc cũng cung cấp đầu mối quan trọng cho việc tìm kiếm nguyên nhân rụng tóc: rụng tóc khắp nang đầu hay chỉ một số vùng nhất định? Từ một điểm hay nhiều điểm? Có để lại đường viền rõ rệt? Nang tóc có bị tổn thương? Nhanh hay chậm?

Tất cả những yếu tố trên sẽ cung cấp thông tin quan trọng để biết vì sao tóc rụng, kéo dài bao lâu và có thể làm gì để ngăn chặn.

2 . Nguyên nhân:

2.1. Rụng tóc sinh lý : Như đã mô tả ở phần sinh lý và đời sống của tóc ở trên.

2.2. Rụng tóc do thuốc: Thường thấy rụng tóc dạng lan tỏa. Chủ yếu do thuốc, nhiễm độc, hóa trị liệu (chẳng hạn như các thuốc chống đông máu, thuốc điều trị ung thư, chống động kinh, Parkinson, tránh thai, thuốc làm giảm cholesterol máu, chống đông máu, trị Parkinson, chống động kinh...) có thể gây rụng tóc. Vì vậy, để chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ thường tìm hiểu xem trước đó bệnh nhân có uống thuốc gì không.

2.3. Rụng tóc do yếu tố cơ - lý – hóa học:

Các yếu tố cơ – lý - hóa (uốn tóc bằng lược, sức nóng, nhuộm, uốn tóc bằng hóa chất, chải tóc quá nhiều bằng lược cứng, căng kéo, xoắn, thắt quá chặt...) cũng làm sợi tóc bị biến dạng, gãy rụng.

2.4. Rụng tóc do bệnh hay rối loạn ở cơ quan khác gây ra:

Bệnh rụng tóc do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nó có thể xuất hiện sau khi bị ốm nặng (sốt rét, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết...), sau sẩy thai, sau sinh đẻ, sau chấn thương lớn, sau phẫu thuật lớn, mất máu nặng, có khi trong thai kỳ. Thường tóc thưa đều, hơi khô, xơ xác, khi cơ thể hồi phục nó sẽ mọc lại.

Người bị giang mai giai đoạn 2 cũng bị rụng tóc kiểu "rừng thưa", tóc rụng nham nhở không đều hai bên thái dương như gián nhấm. Điều trị khỏi bệnh giang mai, tóc sẽ mọc lại.

Các bệnh về xoang mũi, tai mạn tính, sâu răng hàm trên cũng là nguyên nhân gây rụng tóc.

2.5. Rụng tóc do yếu tố thần kinh và miễn dịch:

- Trong rụng tóc pelade( rụng tóc vùng), vùng da đầu có một hay nhiều đám rụng tóc hình tròn, đường kính vài cm, da nhẵn trắng trông giống như sẹo, có khi các đám liên kết thành dải, vằn vèo "thể rắn bò", một số trường hợp có thể rụng nhẵn toàn bộ da đầu, thậm chí rụng cả lông mày, lông nách, lông mi. Loại này thường liên quan rối loạn miễn dịch tại vùng rụng tóc rụng và yếu tố căng thẳng thần kinh.

Mất ngủ thường xuyên cũng làm cho tóc rụng nhiều hay ít tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.

- Tật nhổ tóc: Rụng tóc do tật nhổ tóc hay gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi, nữ nhiều hơn nam. Họ thường nhổ tóc vùng trán phía trước và hai bên thái dương làm tóc nham nhở không đều, chỗ mọc tốt xen kẽ chỗ thưa. Có thể bệnh nhân bị rối loạn tâm lý, căng thẳng thần kinh, luôn có cảm giác thúc giục không thể cưỡng lại và chỉ giải tỏa sau khi nhổ tóc.

2.6. Rụng tóc do vi nấm:

- Rụng tóc do nấm (chủng microsporum, trichophyton) khá phổ biến, thường gặp ở trẻ em lứa tuổi học đường, lây từ người sang người do dùng chung lược, mũ hoặc lây từ súc vật (chó, mèo) sang người. Biểu hiện là da đầu có đám, mảng viêm đỏ, có vảy trắng, tóc bị gãy, chân tóc còn lại cách da đầu từ 1 mm đến 1 cm hoặc chỉ còn chấm đen, có khi chân tóc được bao bởi lớp vảy trắng như bị "nhúng trong bột", có thể xác định bằng soi nấm, cấy nấm.

- Trứng tóc: piedra hortai.

2.7. Rụng tóc do viêm da dầu:

Rụng tóc đi kèm với bệnh viêm da dầu ở đầu, với triệu chứng là ngứa, da đầu có vảy trắng mịn dễ bong( còn gọi là gàu), có thể có sẩn mụn mủ, vỡ đóng vảy tiết ở da đầu, tóc rụng rải rác thưa dần và thường bị ở vùng đỉnh đầu, những trường hợp này thường có kèm theo viêm da dầu ở mặt.

2.8. Rụng tóc do di truyền:

- Bệnh rụng tóc chuỗi hạt (monilethrix) liên quan đến yếu tố di truyền, gặp cả ở nam và nữ, thường xuất hiện từ nhỏ hoặc tuổi thiếu niên. Thân tóc có đoạn co nhỏ lại, có đoạn dày phình to ra một cách đều đặn tạo thành các nút cục ở tóc, tóc bị gãy đứt đoạn. Da dầu, tóc thưa bị gãy, da đầu phủ đầy tóc ngắn, dày sừng nang lông nên trông xù xì, thô ráp.

- Hói đầu ( rụng tóc androgen) cũng là một chứng rụng tóc thường do di truyền và tác động của androgen lên nang tóc ở đầu, làm nang tóc giảm kích thước, dần dần teo và rụng. Loại này gặp ở nam nhiều hơn nữ, nam 30-40 tuổi trở lên, nữ xuất hiện muộn hơn. Đầu tiên, tóc rụng thưa dần ở phía trước trán, tạo thành hình lượn sóng chữ M, sau rụng đến vùng giữa đỉnh đầu và dần dần hói hoàn toàn phía trên, riêng vùng thái dương hai bên và gáy vẫn còn tóc.

2.9. Rụng tóc do các thương tổn da đầu gây ra:

Rụng tóc còn là hậu quả của các bệnh da khác có đám tổn thương da ở đầu. Các tổn thương này có quá trình viêm, tạo mủ, tạo sẹo, teo da... gây nên rụng tóc vùng đó, như lupút đỏ kinh dạng đĩa, viêm nang lông trụi tóc, nấm tóc loại kerion de cell, xơ cứng bì khu trú, bệnh muxin nang lông, ung thư tế bào đáy, teo da ...và có thể còn nhiều nguyên nhân khác nữa.

Rụng tóc do nhiều nguyên nhân gây nên. Do đó, khi bị rụng tóc, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định thể bệnh và có cách điều trị đúng đắn nhất.

3. Điều trị ( có tính chất tham khảo):

3.1. Điều trị bằng thuốc:

Điều trị bệnh rụng tóc không đơn giản vì có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Để chọn loại thuốc thích hợp, cần tìm ra nguyên nhân gây rụng tóc.

3.1.1. Rụng tóc sau sinh, sau chấn thương lớn, mất máu, bệnh truyền nhiễm (sốt rét, tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết:

Về điều trị, cho bệnh nhân uống bepanthen, biotin, vitamin C, B1, B6... và tăng cường dinh dưỡng trong ăn uống, khi sức khỏe hồi phục thì tóc sẽ mọc lại như trước.

3.1.2. Rụng tóc Pelade:

- Điều trị đường toàn trhân: thể áp dụng một trong các phương pháp sau:

+ Tiêm triamcinolone acetonide trong thương tổn vùng tóc trui, mỗi vị trí tiêm < 0.1 ml, cách nhau 1cm, tiêm nhắc lại mỗi 4-6 tuần.

+ Uống corticoid liều 40 mg/ ngày và giảm 5 mg mỗi 5 ngày, từng đợt. ngoài ra có thể uống bepanthen, biotin, vitamin C, 3B, an thần.

+ Cyclosporine uống 6 mg/kg / ngày, uống trong 3 tháng tóc mọc lại 50% nhưng cũng tái phát sau ngưng thuốc vài tháng.

+ Dapsone 50 mg uống 2 lần / ngày có kết quả tóc mọc lại 50%. Nhưng thuốc này ít áp dụng vì có nhiều tác dụng phụ.

- Điều trị miễn dịch tại chỗ:

+ Gây viêm da tiếp xúc tại chỗ bằng cách bôi các dị ứng nguyên mạnh; thường dùng 2 loại: squaric acid dibutylester (SADBE), và diphencyprone (DPCP).

+ Bôi corticosteroid tại chỗ.

+ Anthralin 0.2-1% : thoa sau 30 phút đến 1 giờ thì rửa sạch hoặc có thể để qua đêm.

+ PUVA.

+ Cyclosporine: dung dịch 5% bôi ngày 2 lần kết quả rất hạn chế( tóc mọc lại

< 30%).

+ Tacrolimus 0.03 bôi tại chỗ có kết quả còn hạn chế, dạng uống không có kết quả.

+ Minoxidil dung dịch 5% xịt ngày 2 lần , tóc mọc lại sau 12 tuần.

3.1.3. Rụng tóc liên quan androgen:

Điều trị cũng rất phức tạp, nhiều khi cần phải kết hợp điều trị chung với điều trị theo cơ chế gây bệnh:

-Tại chỗ có thể xịt thuốc minoxidil ngày 2 lần mỗi lần 10 nhát (tương đương 1 ml).

- Có thể uống một trong các thuốc kháng androgen như:

+ Cimetidin, Cyproteron acetate: có tác dụng ngăn chặn DTH (dihydrotestosterone) gắn kết với thụ thể ở nang lông,

+ Spironolacton vừa có tác dụng ức chế sản xuất andrrogen ở thượng thận và buồng trứng, vừa ngăn chặn DTH gắn kết với thụ thể ở nang lông.

+ Finasteride(propecia 1mg): ức chế men 5-alpha-reductase làm giảm DTH .

+ Diane-35(1mg cyproterone + 0.035mg ethinyl estradiol): vừa có tác dụng trị mụn vừa có tác dụng điều trị rụng tóc do androgen.

3.1.4. Rụng tóc do nấm tóc và do viêm da dầu:

Điều trị hết nấm tóc hoặc hết viêm da dầu thì tóc sẽ mọc lại hoàn toàn. Về điều trị nên kết hợp đường uống : Nizoral 200 mg/ ngày hoặc Sporal 200 mg/ ng ày, uống 7 – 10 ngày và bôi tại chỗ như clotrimazol, kem nizoral, terbinafin và gội đầu bằng các loại dầu gội có chứa ketoconazole như Nizoral, kelog, dezor, haicneal. kết hợp với uống bepanthene, biotin, L-cystine vừa có tác dụng ức chế da nhờn vừa có tác dụng tăng trưởng mọc tóc.

3.1.5. Điều trị rụng tóc bằng Đông dược:

Sau đây là vài bài thuốc có tác dụng chữa rụng tóc :

Bài 1.Tim lợn 1 quả bổ đôi, nhồi vào bên trong 10 g bách tử nhân đã tán vụn, cho vào lồng hấp chín rồi đem ra ăn. Món ăn bài thuốc này có thể chữa chứng rụng tóc và bạc tóc sớm.

Bài 2. Câu kỷ tử 15 g, gạo nếp 50 g hoặc vừng đen 20 g. Câu kỷ tử sắc lấy nước đặc, cho gạo nếp vào nấu cháo ăn hằng ngày. Cũng có thể lấy hà thủ ô 30 g sao vàng, sắc lấy nước đặc cho 30 g gạo nếp nấu thành cháo, cho thêm đường phèn vừa đủ, ăn hàng ngày.

Bài 3. Dâu ta rửa sạch, ép lấy nước, cho vào nồi đất hoặc nồi sành cô đặc thành cao, cho đường đỏ và đường phèn hai thứ bằng nhau, mỗi ngày uống một thìa canh với nước nóng.

Bài 4. Long nhãn 50 g, mộc nhĩ đen 3 g, đường phèn vừa đủ, cho nước vào đun sôi kỹ rồi uống.

Bài 5.Thang chữa hói đầu: Thiên ma 9g, hoàng kỳ 15g, đương quy 9g, sinh địa 15g, huyền sâm 15g, hạt dành dành 9g, đan bì 6g, kinh giới 6g, mạch môn đông 12g, hồng hoa 3g, rễ bạch mao 30g, liên thảo 15g, hà thủ ô 15g, cam thảo 6g, sơn giáp 3g.

12 vị trên cho vào 800ml nước sắc lấy 200ml, lọc qua. Lại cho 500ml nước vào bã sắc lại, lấy 100ml. Hợp nước sắc cả hai lần để uống. Mỗi ngày một thang, chia làm 2 hoặc 3 lần uống. Uống liền 20-30 tháng sẽ có hiệu quả.

Thuốc đông dược dùng ngoài:

Cao màn kinh tử: bài này có thể chữa sạch gầu và đầu hết ngứa, tóc mọc lại.

Màn kinh tử 250g, sinh phụ tử 30 quả, hoa dương trịch trục 120g, đinh lịch tử 120g, linh lăng hương 60g, liên tử thảo một nắm. 6 vị trên đều chặt nhỏ, dùng vải gói lại, ngâm trong 1 lít dầu vừng 7 ngày. Mỗi lần chải đầu lấy một ít thuốc bôi lên lược để chải.

Bột cúc hoa: Bột cúc hoa chữa gàu, hói đầu và rụng tóc.

Cúc hoa 60g, màn kinh tử 30g, bách diệp (khô) 30g, xuyên khung 30g, tang bạch bì 30g, bạch chỉ 30g, tế tân (bỏ mầm) 30g, liên thảo (lấy cả lá, hoa và rễ) 30g. Tất cả các vị trên đều nghiền bột, mỗi lần lấy 60g bột thuốc cho vào 5 bát nước vo gạo để chua, sắc lấy 3 bát, lọc bỏ cặn, dùng nước sắc đó gội đầu.

Dầu vừng(mè đen): Bôi dầu lên vùng tóc rụng , ngày bôi một lần sẽ làm cho tóc rụng mọc lại.

Cồn trắc bá diệp:Lá trắc bạch diệp tươi 32g, rượu cồn 75 độ 100ml.Ngâm trắc bách diệp vào cồn 7 ngày có thể dùng được. Dùng bông thấm xoa lên chỗ rụng tóc mỗi ngày 3 lần. Sau một thời gian sẽ có hiệu quả.

3.2. Điều trị khác:

- PUVA( psoralen+ chiếu tia cực tím): liều 20-40 lần chiếu, tóc mọc lai nhưng đa số cũng tái phát sau ngưng điều trị vài tháng.

- Cấy tóc.

- Laser tại chỗ, laser nội mạch.

- Phẫu thuật ghép vùng da không bị rụng tóc lên vùng bị rụng tóc, đây là một phương pháp áp dụng mới nhất hiện nay. Trước khi phẫu thuật ghép tóc người ta dùng kỹ thuật nong kéo dãn da đầu không bị rụng tóc vùng lân cận mà dự định sẽ lấy ghép, sau một thời gian độ giãn da đủ để ghép lên vùng da bị mất tóc thì lúc này chuẩn bị phẫu thuật ghép tóc. Phương pháp này áp dụng rất tốt cho các trường hợp rụng tóc từng vùng.

Một số hình ảnh rụng tóc:

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

Bác sỹ Hoa Tấn Dũng
0983045356
0934994650
Zalo: 0934994650

Địa chỉ : Kiốt Số 02A Đường Võ Liệu -Bên cạnh cổng vào bến xe Quy Nhơn

JLIB_HTML_CLOAKING


BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM

LIÊN KẾ WEBSITE

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

557755
Hôm nay :Hôm nay :77
Hôm qua :Hôm qua :88
Trong tuần :Trong tuần :514
Trong tháng :Trong tháng :2362
Tổng truy cập :Tổng truy cập :557755
LỊCH