Bài viết
NẤM MÓNG VÀ LOẠN DƯỠNG MÓNG TAY, CHÂN
BS. Hoa Tấn Dũng
- I. NẤM MÓNG
- 1. Nguyên nhân
Nấm móng là một bệnh thường thấy ở những người làm nghề bán nước giải khát, đầu bếp, rửa xe, chăn nuôi...nói chung la người thường xuyên tiếp xúc vỡi nước. Bệnh làm móng bị hư hủy xấu xí, có khi nung mủ, đau ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Do nhiều loại vi nấm gây ra, có thể kể hai nhóm chính là: Nấm sợi tơ (Dermatophytes) và nấm hạt men (Candida)
- 2. Triệu chứng lâm sàng:
- Bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen. Móng dễ mủn và dễ gãy.
- Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc.
- Thường ban đầu bị 1 hoặc 2 móng nhưng không được điều trị sau đó dần dần lan ra nhiều ngón, thời gian lan ra nhiều ngón cũng từ từ. Trên từng móng, tổn thương tấn công từ bờ vào và không bị viêm quanh móng (nếu do Dermatophytes) hoặc từ vùng chân móng đi ra và có viêm quanh móng thường do nấm các chủng Candida.
Khi viêm quanh vùng chân móng sẽ rất đau, sưng đỏ và có mủ., ngứa rất nhiều vùng quanh móng.
Chẩn đoán xác định:
- Nếu Xét nghiệm tìm thấy nấm tại tổn thương thì chẩn đoán chắc chắn.
- Nếu Xét nghiệm không tìm thấy nấm tại tổn thương thì việc chẩn đoán xác định cần phải dựa vào xét hỏi người bệnh xem trước đó có uống thuốc điều trị nấm không, có bôi thuốc điều trị nám không. Nếu người bệnh có uống và bôi thuốc kháng nấm trước đó thì cấn theo dõi sau 2 tuần hướng dẫn cho người bệnh ngưng thuốc.
- Nếu sau 2 tuần ngưng thuốc xét nghiệm lại mà vẫn không tìm thấy nấm tại móng bệnh thì chẩn đoán nấm móng có thể bị loại trừ. Lúc này cần truy tìm các nguyên nhân khác như loạn dưỡng móng do nhiều nguyên nhân khác gây ra.
- Chẩn đoán phân biệt: cần phân biệt với loạn dưỡng móng
- Dựa vào xét nghiệm : nấm móng thì tìm thấy nấm, loạn dưỡng móng thì không tìm thấy nấm tại móng bị tổn thương
- Dựa vào lâm sàng: Nếu nấm móng thì các móng thường mủn như gặm nhấm, dìa chỗ thịt thì đỏ. Còn loạn dưỡng móng thì màu sắc các móng không bóng, có sự thay đổi, cũng có thể có cảm giác mủn nhưng không ngứa
II.LOẠN DƯỠNG MÓNG
1. Nguyên nhân: . Nguyên nhân chính xác của bệnh chưa được biết rõ. Bệnh được cho là do rối loạn các yếu tố bên trong cơ thể, đặc biệt là do rối loạn chuyển hóa của da và móng.
2. Triệu chứng lâm sàng : Là biểu hiện của sự hư tổn móng thường có những bất thường trên bề mặt phiến móng hoặc bị mủn móng. Thông thường các móng bị dày lên, sần sùi, khô ráp. Sờ vào cứng và hơi đau. Màu của móng trở nên vàng xỉn hoặc thâm đen. Khi bệnh nhân cầm nắm hoặc các thao tác bằng tay có chạm đến móng thì đau, nhất là khi ấn vào đầu móng. Nhiều người hay bị tình trạng các móng tay liên tục bị tách ra khỏi thịt, nhìn vào thấy sau lớp móng là phần da thịt có một lớp sừng màu trắng nhạt giống như phần trên cùng của móng tay, nhiều trường hợp dể nhầm do nấm gây nên nhưng không phải vậy
III. ĐIỀU TRỊ .
1. Ðiều trị nấm móng:
* Thuốc bôi tại chỗ:
Dùng một trong các thuốc bôi sau: kem hoặc pommade Ketoconazol (Nizoral), Canesten, Exoderil, terbinafin, BSI, v.v...
Cách bôi: Sau khi rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ban đêm nên dùng băng nhựa băng bịt giữ thuốc qua đêm.
* Thuốc uống:
Hiện nay Itraconazol là thuốc đặc hiệu nhất để điều trị bệnh nấm móng.
Itraconazole là một triazole kháng nấm, thuốc rất ưa mỡ và chất sừng, tồn tại lâu trong mô như da, Itraconazole có nồng đô cao trong mô do có ái tính với Protein, đặc biệt là chất sừng, có hoạt phổ rộng kháng nhiễm nấm da, Candida và Malassezia.
Itraconazole thấm được vào bản móng và giường móng nhờ vậy mà có tác dụng diệt nấm sinh bệnh tại móng tay , chân.
Sau khi uống Itraconazole đi vào tổ chức da, tóc, móng, thuốc không quay trở lại hệ tuần hoàn. Do vậy sự tái tạo lớp sừng, tóc, móng được phục hồi từng bước ứng với sự giảm dần của Itraconazole trong các tổ chức này.
Phát đồ điều trị:
Phát đồ 1. Uống Itraconazole 200 mg x 2 lần/ ngày trong 1 tuần/ 1 tháng .
Uống từ 3-4 đợt điều trị như trên đối với móng tay và 4-6 đợt đối với móng chân.
Phát đồ 2. Uống Itraconazole 200 mg x 1 lần/ ngày, uống liên tục 3 – 4 tháng đối với móng tay, 4-6 tháng đối với móng chân.
Hoặc phát đồ 3. Fluconazol 150 mg / tuần uống trong 20 tuần đối với móng tay, 24-40 tuần đối với móng chân.
Biệt dược: rất nhiều : sporal, spobet, trifungi, ....
Chống chỉ định tuyệt đối: phụ nữ có thai, viêm gan cấp.
Chống chỉ định tương đối: trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ cho con bú,
Thận trọng: Cần xét nghiệm đánh giá chức năng gan trước khi điều trị và sau khi dùng mỗi đợt thuốc điều trị, nếu có viêm gan đang tiến triển thì phải điều trị viêm gan cho ổn định mới dùng thuốc điêu trị nấm móng.
Sau khi kết thúc điều trị cần xét nghiệm soi tươi bệnh phẩm lấy tại móng bệnh để đánh giá là đã hết nấm chưa, kết hợp với đáng giá lâm sàng xem móng đã mọc ra lại chưa, hết xù xì, hết viêm, hết ngứa chưa. Nếu cả xét nghiệm và lâm sàng chưa tốt thì bác sĩ sẽ có quyết định điều trị tiếp cho bạn.
2. Điều trị loạn dưỡng móng:
"Loạn dưỡng móng",hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu trị . Các thuốc uống và thoa rất khó ngấm hết được vào tổ chức sừng cứng của móng. Một số loại thuốc bôi chỉ có tác dụng làm mềm móng, chống viêm như cream vitamin E, physiogel, lacticare, corticossteroid bôi tại chỗ... Ngày bôi nhiều lần, quan trọng nhất là sau tắm và sau rửa tay, chân. Ngoài ra, loạn dưỡng móng cũng có thể do thiếu vitamin, chủ yếu là vitamin B, vì vậy chế độ dinh dưỡng cũng cần bổ sung chất này bằng cách ăn rau quả nhiều. Một số người có thói quen chăm sóc móng bằng trà chanh, ngâm rửa móng lâu trong nước... Việc điều trị không đúng sẽ móng bị viêm ngày càng nặng và lan sang các móng khác.
Đối với người mắc loạn dưỡng móng tay thì nên kiên ngâm nước, kiêng rửa bằng xà phòng. Không cắt sát móng quá, không giũa móng vì làm như vậy sẽ tạo nên các sang chấn, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Mặc khác, một số chất tẩy rửa móng như autoni, autate thường xuyên sẽ kích ứng những phần da quanh móng, gây viêm ngứa, dị ứng và làm móng ngày càng mỏng dần, gây khô và teo móng.
Thời gian điều trị loạn dưỡng móng rất dài có thể nhiều tháng có khi hàng năm móng mới hồi phục được.
IV. PHÒNG BỆNH
Nếu có thể nên thay đổi việc làm hoặc mang bao tay khi làm việc để tránh móng bị ướt.
Hạn chế tiếp xúc với nước có chất tẩy rửa như xà bông, nước rửa chén, đá lạnh, đồ đông lạnh, các loại hóa chất có tác dụng ăn mòn da và móng như acid, thuốc tẩy...
Chỉ tiếp xúc với nước khi cần thiết như tắm gội, không nên rửa tay chân thường xuyên khi không cần thiết, vì như thế tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển trở lại.
Để móng được khỏe, đẹp, ngoài việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nếu có điều kiện, nên xoa lên móng những loại kem dưỡng móng,các loại dầu mè, dầu ô liu... Với những người có thói quen đi sơn móng, làm móng, tốt nhất là nên trang bị một bộ dụng cụ làm móng riêng để tránh lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng.