BỆNH SỞI (MEASLES)

www.dalieubacsidungquynhon.com

BỆNH SỞI (MEASLES)

Bệnh Sởi là loại bệnh nặng và dễ lây lan qua không khí. Tiêm chủng là cách thức hiệu quả để ngăn ngừa bệnh này. Tất cả trẻ em và người lớn nên được chủng ngừa nếu chưa miễn nhiễm.

Bệnh Sởi là gì?

Bệnh Sởi là bệnh gây ra bởi vi rút, có thể gây ra những biến chứng trầm trọng. Trước đây, Sởi là bệnh rất thường xảy ra ở trẻ em. Ngày nay, nhờ chủng ngừa, bệnh Sởi hiếm gặp hơn.

Bệnh có những triệu chứng gì?

• Những triệu chứng xuất hiện đầu tiên là sốt, mệt mỏi, ho, sổ mũi, mắt bị đỏ và đau, cảm thấy người không khỏe. Một vài ngày sau đó người bệnh sẽ bị nổi ban. Ban bắt đầu xuất hiện ở mặt, lan xuống cơ thể và kéo dài từ 4-7 ngày.

• Có đến một phần ba người mắc bệnh Sởi bị biến chứng gồm viêm tai, ỉa chảy và viêm phổi, có thể cần phải nhập viện. Cứ 1.000 người bị bệnh Sởi, có khoảng một người bị viêm não.

Bệnh lây lan bằng cách nào?

• Thông thường bệnh Sởi lây lan khi người ta hít phải vi rút bệnh Sởi của người bệnh đang trong thời kỳ truyền nhiễm ho hay hắt hơi bắn ra không khí. Sởi là một trong những bệnh dễ lây lan nhất trong tất cả những bệnh của loài người. Chỉ cần có mặt chung trong phòng với người bị Sởi cũng có thể bị lây bệnh này.

• Người bị Sởi thường hay lây lan bệnh cho người lành ngay trước lúc những triệu chứng bắt đầu xuất hiện cho đến bốn ngày sau khi nổi ban. Thông thường, thời gian ủ bệnh khoảng 10 ngày. Người bệnh thường nổi ban vào khoảng 14 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Ai dễ có nguy cơ bị mắc bệnh này?

Trước năm 1966, Sởi là bệnh thường xảy ra, do đó, đa số người sinh trước năm này đều được miễn nhiễm với bệnh Sởi. Người dễ có nguy cơ bị Sởi là:

• người sinh trong năm 1966 hay sau đó, chưa bao giờ bị Sởi và chưa được chủng ngừa hai liều thuốc tiêm chủng từ sau khi được 12 tháng tuổi.

• người có hệ miễn dịch yếu (thí dụ như đang được hóa trị hoặc xạ trị bệnh ung thư hay người uống thuốc steroid liều mạnh) dù trước đây đã được chủng ngừa đầy đủ hoặc đã bị bệnh Sởi.

• người chưa miễn nhiễm và người đi du lịch nước ngoài.

Cách ngừa bệnh?

• Biện pháp ngừa bệnh Sởi tốt nhất là tiêm chủng ngừa bằng hai liều thuốc chủng MMR.

• Trẻ em nên được tiêm chủng lúc 12 tháng tuổi và liều thứ hai lúc 4 tuổi.

• Bất cứ người nào sinh trong năm 1966 hay sau đó và người chưa bao giờ bị Sởi hoặc chủng ngừa thuốc chủng MMR nên bảo đảm mình được tiêm chủng hai liều cách nhau ít nhất bốn tuần lễ.

• Thuốc này có thể được chủng ngừa nhiều hơn hai lần mà vẫn an toàn, do đó, những người không chắc mình đã được chủng ngừa nên đi chủng ngừa.

• Người bị Sởi nên ở nhà cho đến khi bệnh không còn truyền nhiễm nữa (có nghĩa là cho đến 4 ngày sau khi đã nổi ban).

Bệnh được chẩn đoán bằng cách nào?

• Khi cảm thấy người không khỏe, bị ho, sổ mũi hoặc đau mắt và bị sốt, sau đó nổi ban, người này có thể đã bị Sởi.

• Khi nghi ngờ bị bệnh Sởi, nên thử máu và lấy mẫu xét nghiệm từ mũi, cổ họng và nước tiểu để xác định bệnh. Xác định bệnh là điều quan trọng vì nhờ đó phòng bệnh cho những người khác dễ có nguy cơ bị bệnh Sởi.

Bệnh được chữa trị như thế nào?

• Bình thường, người bị Sởi nên nghỉ ngơi, uống thật nhiều nước và uống thuốc paracetamol để giảm sốt. Hiện nay không có cách điều trị đặc hiệu đối với bệnh Sởi.

• Trong lúc người bệnh Sởi đang trong thời kỳ truyền nhiễm, điều quan trọng là họ ở nhà để tránh lây lan bệnh cho người khác.

BS. HOA TẤN DŨNG

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

Bác sỹ Hoa Tấn Dũng
0983045356
0934994650
Zalo: 0934994650

Địa chỉ : Kiốt Số 02A Đường Võ Liệu -Bên cạnh cổng vào bến xe Quy Nhơn

JLIB_HTML_CLOAKING


BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM

LIÊN KẾ WEBSITE

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

549712
Hôm nay :Hôm nay :81
Hôm qua :Hôm qua :89
Trong tuần :Trong tuần :432
Trong tháng :Trong tháng :2264
Tổng truy cập :Tổng truy cập :549712
LỊCH