BỆNH DA
|
HIỂU BIẾT VỀ BỆNH DỊ ỨNG ĐỂ BIẾT CÁCH PHÒNG BỆNH
Hoa Tấn Dũng, Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa
1. Bệnh dị ứng là gì?
Hàng ngày tại Khoa khám bệnh 1 Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy hoà khám kê đơn điều trị ngoại trú trung bình khoảng 250 lượt người, trong đó có ít nhất khoảng 25-30 % là bệnh có liên quan đến dị ứng. Vậy bệnh dị ứng là gì, tác giả viết bài này nhằm mục đích giúp bạn đọc có thêm kiến thức về bệnh dị ứng và để mọi người hiểu được nó và biết cách phòng bệnh.
Dị ứng là một phản ứng bất thường hay phản ứng quá mẫn của cơ thể với một số chất nào đó khi tiếp xúc với các chất đó bằng bất cứ đường nào( ăn uống, hít thở, đụng chạm qua da và niêm mạc). Bệnh dị ứng thường phát sinh ở một số gia đình, lịch sử bệnh có xu hướng di truyền.
Bệnh dị ứng không phải tự nảy sinh mà phải có căn nguyên dị ứng là dị ứng nguyên hay kháng nguyên, dị ứng nguyên thường rất nhiều loại và nhiều trường hợp chúng ta khó có thể xác định được đâu là dị ứng nguyên. Các dị ứng nguyên thường là các protein tan trong nước có khả năng thẩm thấu qua các màng nhầy bảo vệ các cơ quan hay thẩm thấu qua da, chúng có thể là phấn hoa các loại cây cỏ dại, nấm móc, bụi, lông và vảy da súc vật nuôi trong nhà; các bộ phận như lông, phấn, xác hay nọc độc của các loại côn trùng; một số thực phẩm như tôm, cua, một số loài cá. Thuốc tây hoặc đông dược; các loại sơn, keo, nước hoa, mỹ phẩm; một số hoá chất công nghiệp như ximen, các loại đồ dùng có mạ kền, crôm..
2. Khi nào thì bạn bị dị ứng với một chất nào đó:
Dị ứng không thể bị ngay lần tiếp xúc đầu tiên mà cơ thể bạn chỉ có thể bị dị ứng khi bạn tiếp xúc với chính chất đó sau các lần tiếp xúc tiếp theo. Thời gian từ khi tiếp xúc cho đến khi bị dị ứng có thể là vài ngày, vài tuần, vài tháng, vài năm, thậm chí là 5 năm hay 10 năm sau đó, thời gian từ lần tiếp xúc đầu tiên đến khi xuất hiện triệu chứng dị ứng gọi là thời kỳ mẫn cảm. Khi cơ thể bạn đã bị mẫn cảm thì chỉ cần một lượng dị ứng nguyên rất nhỏ cũng đủ gây ra các triệu chứng dị ứng, đây là lý do tại sao bạn làm nghề thợ nề 10 năm nay không hề gì nay lại bị dị ứng và điều trị đỡ rồi bị lại, vì người bệnh không thể không tiếp xúc lại.
3. Vai trò của hệ miễn dịch trong cơ thể bạn đối với bệnh dị ứng:
Ở người có sức khoẻ bình thường hệ miễn dịch là một mạng lưới phòng vệ tự nhiên của cơ thể bạn, nhằm chống lại sự xâm nhập của tất cả các tác nhân có hại cho cơ thể và còn có khả năng huỷ diệt các mô ký sinh như tế bào ung thư. Nếu con người không có một hệ miễn dịch hoạt động tốt có lẽ tất cả chúng ta đều bị chết bởi sự xâm nhập và huỷ diệt của nhiều loại vi trùng, virus, ký sinh trùng và nhiều tác nhân gây hại khác đối với cơ thể.
Mặc dù có rất nhiều dị ứng nguyên nhưng chúng xâm nhập hoặc được đưa vào cơ thể chỉ bằng 4 con đường , đó là: Đường hhô hấp do hít phải, đường tiêu hoá do ăn uống, đường thẩm thấu qua da hoặc niêm mạc do tiếp xúc trực tiếp, xoa, đắp, sờ mó, và cuối cùng là đường máu do tiêm chích. Mỗi đường xâm nhập các dị ứng nguyên sẽ gây ra triệu chứng đặc trưng cho từng trường hợp. Bất luận là dị ứng xảy ra do nguyên nhân gì, vào cơ thể bằng đường nào cũng đều là hậu quả của sự phản ứng của dị ứng nguyên với một trong 3 thành phần chủ yếu của hệ miễn dịch sau đây:
• Lympho bào, tương bào và dưỡng bào.
• Các hoá chất trung gian.
• Kháng thể: Là các protein đặc hiệu với dị ứng nguyên.
- Lympho bào: Cùng với sự tham gia của các loại bạch cầu lympho T chiệu trách nhiệm đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, lympho B đáp ứng miễn dịch dịch thể.
- Dưỡng bào: Hay còn gọi là tế bào Mastocyte là tế bào có vai trò rất quan trọng trong cơ chế dị ứng, tế bào này nằm sâu trong niêm mạc mũi, kết mạc, nằm cạnh các mạch máu và các tế bào sản sinh ra dịch nhầy. Bên trong các tế bào này chứa nhiều loại chất gọi là hoá chất trung gian, khi vỡ chúng giải phóng các hoá chất trung gian này vào gian bào và sẽ gây ra một số triệu chứng của dị ứng. Chính vì vậy mà trong điều trị dị ứng các bác sĩ da liễu thường có sử dụng thuốc làm bền vững màng tế bào Mastocyte để chống lại sự vỡ tế bào mastocyte do cơ chế dị ứng gây ra.
- Hoá chất trung gian: Khi tế bào Mastocyte vỡ giải phóng ra hàng loạt các hoá chất trung gian trong dó có lẽ Histamine là chất đóng vai trò quan trọng nhất trong dị ứng, bởi vì chính histamine gây giãn các mạch máu nhỏ gây nên trình trạng viêm, đỏ da, phù nề da và niêm mạc, phù nề các mô gây ra các triệu chứng khó thở nếu phù nề ở đường hô hấp; đau bụng và rối loạn tiêu hoá nếu phù nề ở đường tiêu hoá; phù nề, tiết dịch, nổi mụn nước và ngứa nếu là ở da.
- Các kháng thể: Được gọi là globuline gamma hay globuline miễn dịch, các kháng thể được chia làm 5 nhóm chính:
+ IgG là loại thường gặp nhất, chúng tuần hoàn theo dòng máu.
+ IgA có ở dịch vị, dịch tiết ở niêm mạc mũi, họng, đường tiêu hoá đóng vai trò phòng vệ chính ở đường hô hấp và tiêu hoá.
+ IgE đóng vai trò chủ yếu trong việc phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại sự xâm nhập của các loài vi sinh vật có kích thướt lớn hơn virus như vi khuẩn, ký sinh trùng, một số thuốc và hoá chất được đưa và trong cơ thể.
+ Ig M và IgD
4. Các hình thái lâm sàng của dị ứng:
Mặc dù có rất nhiều biểu hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh dị ứng, nhưng chúng cũng được các nhà dị ứng học xếp vào 4 type sau đây:
4.1. Type 1:
Gọi là phản ứng quá mẫn tức thì hay sốc phản vệ. Type này các triệu chứng xảy ra trước 4 giờ kể từ khi dị ứng nguyên được xâm nhập vào cơ thể, liên quan đến kháng thể IgE, đại diện cho loại này là sốc phản vệ do dị ứng thuốc, mày đay cấp, phù thanh quản, phù quink hay viêm mũi dị ứng theo mùa, cơn hen phế quản.
4.2. Type 2:
Gọi là phản ứng độc tế bào, type này xảy ra muộn hơn so với type 1, thường thì sau vài ngày tiếp xúc với dị ứng nguyên. Dị ứng nguyên hay gặp là các loại thuốc có gốc Sunfamide, Quinidin, một số kháng sinh như thuốc kháng lao, Cefalosporine. Kháng thể liên quan đến type này là IgM và IgG.
Cơ chế gây dị ứng trong type này là: Đầu tiên các dị ứng nguyên bám chặt vào các mô đích như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu…tạo thành phức hợp Kháng nguyên - Tế bào đích, phức hợp này kết hợp với kháng thể ngay trên màng tế bào đích gây tiêu huỷ mô đích, hậu quả là giảm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu, gây xuất huyết da và nội tạng.
4.3. Type 3:
Gọi là bệnh huyết thanh, liên quan đến kháng thể IgM và IgG nhưng cơ chế phản ứng miễn dịch khác với type 2 ở chỗ là: Các dị ứng nguyên và các kháng thể kết hợp trực tiếp với nhau có sự góp phần của các bổ thể tạo thành phức hợp kháng nguyên – kháng thể, Nhiều phức hợp dính lại với nhau tạo thành các khối nhỏ và trôi theo dòng máu, cuối cùng lắng đọng ở thành các mạch máu nhỏ ở các cơ quan lục ngũ, phủ tạng, khớp, da gây nên trình trạng viêm nội mạch máu, viêm nội mạch máu gây ra hiện tượng kết dính tiểu cầu làm tắc nghẽn mạch, thiếu máu cục bộ và hoại tử tổ chức. Type này thường xảy ra muộn hơn 5 – 7 ngày tiếp xúc với di ứng nguyên, dị ứng nguyên thường gặp trong type này là các loại thuốc nhóm sunfsmide, penicilline, streptomycine… Đại diện cho loại này là viêm mao mạch dị ứng, viêm mạch dạng hồng ban nút, viêm mạch dạng hạt, viêm khớp, thận, thiếu máu huyết tán.
4.4. Type 4:
Gọi là quá mẫn muộn hay phản ứng muộn phát thuộc loại đáp ứng miễn dịch trung gian tế bào. Trong type này không có sự tham gia của các kháng thể mà cơ chế là: Khi dị ứng nguyên xâm nhập vào cơ thể gây mẫn cẩm và làm thay đổi vĩnh viễn bề mặt các lympho bào T, sau khi bị mẫn cảm nếu có lần tiếp xúc lại với dị ứng nguyên trước đó thì các lympho bào T này sẽ tiết ra cytokine và các hoá chất trung gian gây nên triệu chứng ngứa, viêm da và phù nề… Type này thường xảy ra rất muộn sau khi tiếp xúc với dị ứng nguyên, có thể là vài tuần, vài tháng đến nhiều năm tuỳ thuộc vào từng cá thể có thời gian mẫn cảm dài hay ngắn và tuỳ thuộc vào từng loại dị ứng nguyên. Đại diện cho type này là các bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa dị ứng, viêm da thể tạng, hồng ban nhiễm sắc…Dị ứng nguyên trong loại này thường là một số thuốc, độc tố vi khuẩn, một số hoá chất công nhiệp…
5. Đáp ứng miễn dịch trong dị ứng khác với đáp ứng miễn dịch bình thường như thế nào?
Đáp ứng miễn dịch trong dị ứng là một phản ứng miễn dịch bất thường, nó khác với đáp ứng miễn dịch bình thường của cơ thể ở 2 điểm:
- Thứ nhất: Dị ứng là đáp ứng miễn dịch với các chất căn bản là vô hại với hầu hết cơ thể người như thức ăn, thuốc dùng chữa bệnh, phấn hoa… còn đáp ứng miễn dịch bình thường của cơ thể là chống lại các tác nhân có hại cho cơ thể con người như vi khuẩn, virus, tế bào ung thư…
- Thứ hai: Dị ứng có khuynh hướng kéo dài không cân xứng với nhu cầu thời gian thực sự để thanh toán các dị ứng nguyên, còn đáp ứng miễn dịch bình thường của cơ thể là chủ yếu nhằm giải quyết sự cố rắc rối cho cơ thể và không kéo dài thời gian lâu hơn cần thiết. Ví dụ như nhiễm virus thông thường bệnh có thể tự giới hạn trong vòng vài tuần…
6. Dị ứng khác với tác dụng phụ và hiện tượng không dung nạp như thế nào?
6.1. Tác dụng phụ: Hay còn gọi là tác dụng không mong muốn là 1 hay nhiều dấu hiệu có thể đoán trước được trước khi chúng ta sử dụng một loại thuốc hay thức ăn nào đó. Ví dụ như khi bạn uống 1 viên kháng histamine thế hệ thứ nhất để điều trị bệnh dị ứng chẳng hạn thì các tác dụng phụ có thể biết trước là buồn ngủ, nặng đầu, khô miệng, mũi… hay một số người khi ăn các loại rau họ đậu, đậu tương sẽ bị đầy hơi, bụng chướng nhẹ, trung tiện nhiều…
6.2. Hiện tượng không dung nạp: Là một loại phản ứng có tính mạnh mẽ và cấp tính, có thể xảy ra với thức ăn, đồ uống, thuốc…Ví dụ khi bạn dùng 1 loại thuốc nào đó để điều trị bệnh mà gây ra chứng co thắt dạ dày chẳng hạn, nếu trong điều kiện không có thuốc thay thế bạn vẫn có thể dùng được (nếu bạn kiểm soát được chứng co thắt dạ dày trong một giới hạn nhất định mà bạn chịu đựng được) mà không gây ra dị ứng. Khi chúng ta ăn khẩu phần ăn quá nhiều đậu, quá nhiều chất đạm thì có thể xuất hiện đau bụng, chướng bụng, đi chảy thì đó là hiện tượng không dung nạp chứ không phải dị ứng.
7. Một số hình ảnh minh hoạ:
viêm da tiếp xúc dị ứng |
viêm da tiếp xúc dị ứng |
chàm thể tạng |
* Viêm da tiếp xúc do ánh sáng:
Mạn tính |
Cấp tính |
Cấp tính |
viêmdatiếpxúcdo kẹp tóc |
dị ứng thể hồng ban đa dạng |
viêm môi trong dị ứng thuốc |
dị ứng thể đỏ da |
hồng ban đa dạng hình bia bắn |
viêm mạch dị ứng |
Mày đay cấp |
Mày đay cấp |
Mày đay mạn tính |
Tài liệu tham khảo :
- Bác Sĩ Vũ Minh Đức, Bệnh dị ứng - phòng ngứa và điều trị, Nhà xuất bản y học năm 200
- Nguyễn Xuân Hiền - Trương Mộc Lợi - Bùi Khánh Duy : Bệnh học Ngoài Da và Hoa liễu tập 1, Nhà xuất bản y học 1991.
- Học Viện quân y : Giáo trình bệnh da và hoa liễu , nhà xuất bản quân đội 2001
- Website emedicin.com/dermatology.
BS Hoa Tấn Dũng. Thánh 11/2006
Tin mới
- BỆNH CHỐC (Impetigo) - 29/12/2011 07:32
- BỆNH GHẺ (SCABIES DISEASE) - 29/12/2011 07:32
- BỆNH KAWASAKI - 29/12/2011 07:32
- BỆNH VIÊM BÌ CƠ (Dermatomyositis) - 29/12/2011 07:32
- MỤN TRỨNG CÁ & CHIẾN LƯỢT ĐIỀU TRỊ - 29/12/2011 07:32
- ĐỎ DA TOÀN THÂN - 29/12/2011 07:32
- BỆNH TAY CHÂN MIỆNG - 29/12/2011 07:32
- ĐẠI CƯƠNG BỆNH DA Ở NGƯỜI GIÀ - 29/12/2011 07:32
Các tin khác
- BỆNH CHỐC (Impetigo) - 29/12/2011
- BỆNH GHẺ (SCABIES DISEASE) - 29/12/2011
- BỆNH KAWASAKI - 29/12/2011
- BỆNH TAY CHÂN MIỆNG - 29/12/2011
- BỆNH VIÊM BÌ CƠ (Dermatomyositis) - 29/12/2011
- MỤN TRỨNG CÁ & CHIẾN LƯỢT ĐIỀU TRỊ - 29/12/2011
- ĐẠI CƯƠNG BỆNH DA Ở NGƯỜI GIÀ - 29/12/2011
- ĐỎ DA TOÀN THÂN - 29/12/2011
- HERPES SIMPLEX - 29/12/2011
- NGỨA HẬU MÔN - 29/12/2011