MỤN TRỨNG CÁ & CHIẾN LƯỢT ĐIỀU TRỊ

www.dalieubacsidungquynhon.com

BỆNH DA

MỤN TRỨNG CÁ &
CHIẾN LƯỢT ĐIỀU TRỊ

Bác sĩ. Hoa Tấn Dũng, tháng 10 năm 2007


I.TỔNG QUAN VỀ MỤN TRỨNG CÁ:
1.    Mụn trứng cá là gì:
Về mặt y học mụn trứng cá là một hiện tượng viêm nang lông, do tích tụ chất bã nhờn bài tiết từ tuyến bã nhờn chưa được tống ra ngoài, từ đó hình thành mụn trứng cá thông thường ( Acne Vulgaris) hay còn gọi là trứng cá nhân, nếu có sự xâm nhập của vi khuẩn sè làm cho mụn trứng cá trở nên viêm sưng, nóng, đỏ, đau và có mủ hay còn gọi là mụn bọc, mụn mủ.
2.    Tuổi bị mụn trứng cá:
Thông thường mụn trứng cá hầu hết xảy ra ở tuổi thanh thiếu niên( 13 – 25 tuổi) loại này người ta còn gọi là trứng cá tuổi dậy thì,ngoài ra có khoảng 30% sổ ca mụn trứng cá xảy ra ở người trung niên( tuổi từ 30 đến 50), đặc biệt gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. hầu hết mụn trứng cá xảy ra ở giai đoạn này thường do các nguyên nhân chủ yếu như mất cân bằng nội tiết tố bên trong cơ thể, do dùng mỹ phẩm không đúng, do stress về tinh thần lâu dài … gây ra.
3.    Vị trí xảy ra mụn trứng cá:
Mụn trứng cá có thể xảy ra bất cứ vị trí nào của bề mặt cơ thể miễn là ở đó có sự phân bố của tuyến bã nhờn, tuy vậy trên lâm sàng đa số thường gặp các vị trí sau đây:
-    Vị trí được ưu tiên hàng đầu là mặt.
-    Vị trí ưu tiên thứ 2 là ngực và lưng.
-    Vị trí thứ 3 là 2 vai và 2 cánh tay.
4.    Các hình thái lâm sàng và cấp độ của mụn trứng cá:
Có nhiều hình thái lâm sàng của mụn trứng cá và có nhiều cách chia, thông thường hay gặp các hình thái sau:
-    Trứng cá thông thường.
-    Trứng cá bọc.
-    Trứng cá mụn mủ.
-    Trứng cá nang.
-    Trứng cá cụm.
-    Trứng cá đỏ.
-   Trứng cá dạng thuỷ đậu.
-    Trứng cá do corticosteroids.
-    Trứng cá nghề nghiệp.
-    Trứng cá lan toả.
-    Trứng cá sẹo lồi..
Cấp độ của mụn trứng cá: dựa vào triệu chứng lâm sàng các bác sĩ da liễu thường chia thành 4 cấp độ là nhẹ , trung bình, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
5. Diễn biến của mụn trứng cá:
Khi có sự tích tụ của chất bã nhờn ở nang lông sẽ có sự hình thành nhân trứng cá còn gọi là mụn cám, khi nhân trứng cá và nang tuyến hở lộ ra ngoài tạo thành mụn đầu den hay nhân trứng cá hở( black heads – open comedones), khi nhân trứng cá chưa lộ ra ngoài gọi là mụn đầu trắng hay nhân trứng cá kín. Khi có sự xâm nhập của vi khuẩn sẽ gây nên hiện tượng viêm tại chỗ với sưng, nóng, đỏ, đau và hình thành những ổ áp xe nhỏ tại chỗ và lan rộng tạo nên nhiều hình thái mụn trứng cá khác như trứng cá mụn mủ, trứng cá nang, trứng cá bọc, trứng cá mạch lươn do tập hợp nhiều nốt trứng cá bọc thành tập hợp mụn thông liền với nhau bên dưới bề mặt da.
II. NGUYÊN NHÂN VÁ CÁC YẾU TỐ THUẬN LỢI CHO SỰ XUẤT HIỆN MỤN TRỨNG CÁ:
1.    Do tăng tiết chất bã nhờn:
Như đã nói ở phần tổng quan yếu tố trực tiếp đầu tiên là do tăng tiết bã nhờn gây tích  tụ chất bã nhờn trong lòng tuyến bã và nang lông, tuy nhiên tyuến bã trực tiếp chịu ảnh hưởng dưới tác dụng của nội tiết tố kích dục nam Androgen, do đó khi có bất cứ một lý do nào đó tác động đến cơ thể gây mất cân bằng nội tiết tố bên trong cơ thể, làm tăng kích tố Androgen sẽ làm cho tăng tiết bã nhờn và dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra mụn trứng cá. Ngoài ra sự tăng tiết bã nhờn còn tỉ lệ thuận với mật độ số lượng tuyến bã nhờn trên da của cá thể.
Ở đầu, mặt, ngực, lưng, tầng sinh môn mật độ tuyến bã dày nhất, có khoảng 600 – 900 tuyến/ cm2 da, ở mặt tuyến bã phát triển gấp 5 lần so với nơi khác, Các vùng còn lại trung bình có 100 tuyến/cm2.
2.    Rối loạn thành phần lipid của chất bã:
Lượng acid béo tự do của chất bã càng cao thì nguy cơ bị mụn trứng cá càng lớn. acid béo tự do làm tăng sừng hoá cỏ tuyến bã, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Propionibacterium acne(P.acne) phát triển.
3.    Sừng hoá cổ tuyến bã:
Ở nang lông bình thường bờ tế bào sừng  sẽ tróc ra rơi vào lỗ nang lổng rồi bị đẩy ra ngoài. Khi bị trứng cá tế bào sừng không bong ra như vậy mà tụ dọc theo sợi chân lông làm cho cổ nang lông bị hẹp lại, khi đó chất bã được bài tiết không thoát ra ngoài được, tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn P. acne phát triển và tiết ra men Lipase có tác dụng tăng sừng hoá cổ tuyến bã.
4.    Do vi khuẩn :
-    Tụ cầu( staphylococcus epidermidis)
-    Pityrosporum oral.
-    P. acne có vai trò chính trong cơ chế làm tăng sừng hoá cổ tuyến bã nhờ nó tiết ra các men lipase, protease, phosphatase, hyaluronidase, do đó làm tăng mụn trứng cá.
Qua 4 yếu tố trên cho ta thấy:
- Nếu chỉ có chất bã bài tiết nhiều nhưng không có sừng hoá cổ tuyến bã và không có vai trò của vi khuẩn thì chỉ có biểu hiện ttình trạng da mỡ mà thôi.
- Nếu có tăng bài tiết chất bã và có sừng hoá cổ tuyến bã sẽ dẫn đến có sự ứ đọng chất bã trong lòng tuyến, nhưng nếu không có vai trò của vi khuẩn thì tuyến bã cô đặc lại thành trứng cá nhân. nếu có vai trò của vi khuẩn cộng tác vào sẽ hoá thành các dạng mụn mủ, mụn bọc…
- Nếu có tăng bài tiết chất bã và có mặt của vi khuẩn, nhưng cổ tuyến bã không bị sừng hoá thì không có mun trứng cá mà chỉ có sợi mỡ mùi hôi.
5. Các yếu tố thuận lợi:
5.1. Di truyền: Nếu cha , mẹ có tiền sử bị mụn trứng cá thì có khoảng 45% thế hệ con cũng có nguy cơ bị mụn trứng cá bởi có sự di truyền giống nhau về mặt cấu trúc và mật độ của tuyến bã nhờn trên da. Tuy nhiên xin các bạn đừng căng thẳng quá vì mụn trứng cá còn liên quan đến nhiều yếu tố khác nữa mà trong đó yếu tố về thể chất của bản thân bạn là quan trọng.
5.2. Thức ăn : Người có thói quen ăn nhiều dầu,  mỡ, thức ăn cay nóng, nhiều gia vị và ăn uống nhiều đồ ngọt, chocolate, caffee có nguy cơ bị mụn cũng như làm cho mụn trứng cá trầm trọng hơn bởi nó kích thích tuyến bã nhờn bài tiết nhiều chất bã nhờn hơn.
5.3. Thuốc và mỹ phẩm: thông thường hay gặp 2 loại thuốc dễ gây ra mụn trứng cá nếu dùng lâu dài:
- Steroid: một số cá thể dùng lâu dài dễ xuất hiện mụn trứng cá, trứng cá sẽ khỏi dần sau khi ngưng thuốc một thời gian. Tuy nhiên trong những ca trứng cá nặng như trứng cá bọc, trứng cá nang, trứng cá mạch lương bác sĩ thường dùng liệu trình ngắn ngày để kháng viêm.
- Thuốc ngừa thai: Có 2 loại thuốc ngừa thai, loại có chứa steroid có nguy cơ bị mụn trứng cá như steroid, còn loại không chứa steroid có tác dụng ngăn ngứa mụn trứng cá cũng như làm giảm mụn ở những người đang có mụn.
- Mỹ phẩm: Một số mỹ phẩm có thể gây nổi mụn trứng cá, do trong mỹ phẩm có chứa thành phần làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây tích tụ chất bã nhờn, một số mỹ phẩm có chứa các dẫn chất iod thì càng nên tránh. hiện nay trên thị trường có loại kem trộn không rõ nguồn gốc và thành phần cũng không được xác định, loại này thoa lên mặt sẽ làm giảm mụn tạm thời  sau đó bùng phát trở lại nặng gấp bội . do đó loại này các bạn càng không nên dùng vì thuốc không được Bộ y tế cấp phép sản xuất.
- Thuốc bổ máu B12: khi tiêm hay uống B12 kéo dài có nguy cơ xuất hiện mụn trứng cá, nguyên nhân tường tận thì chưa được rõ, loại này cũng sẽ giảm và khỏi sau khi ngưng thuốc một thời gian.
5.4. Kinh nguyệt ở phụ nữ: Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là kết quả của sự mất cân bằng giữa 2 loại kích dục tố nam và nữ, làm cho kích dục tố nam Andrrogen tăng và kích dục tố nữ estrogenes giảm trước hoặc trong khi hành kinh, do vậy chúng ta thường thấy ở một số phụ nữ mụn trứng cá thường xuất hiện hay nặng hơn vào khoảng thời gian trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
5.5 Thức khuya: Thức khuya ( quá nửa đêm hoặc giấc ngủ bị rối loạn ngủ không sâu) làm cho tiến triển mụn trứng cá  rộ hơn, bởi thức khuya làm cho nội tiết và hệ thần kinh giao cảm không được nghỉ ngơi mà bị biến động liên tục, điều này làm tăng bài tiết của tuyến bã nhờn, mặt khác thức khuya cũng làm cho quá trình tự phục hồi của làn da thường ngày bị trì hoãn là nguyên nhân gián tiếp làm cho mụn trứng cá diễn biến xấu.
3.6. Thời tiết, khí hậu và môi trường làm việc:
- Thời tiết, khí hậu có ảnh hưởng gián tiếp đến sinh trưởng của mụn trứng cá, khi ở trong môi trường khí hậu ẩm cao và nóng bức sẽ làm cho tuyến bã nhờn tăng bài tiết thông qua cơ chế kích thích hệ thần kinh giao cảm, hơn nữa khi thời tiết nóng bức làm cho con người bức rứt, cộng thêm sức ép về công việc, sức ép về tâm lý dễ dẫn đến mất cân bằng về nội tiết tố trong cơ thể, làm thay đổi tốc độ bài tiết của tuyến bã nhờn.
- Một số nghề nghiệp, do tính chất của công việc người ta luôn luôn tiếp xúc với môi trường như xăng, nhớt, diesel, dầu hoả, các chất hoá học như iod, flo, cồn, hay môi trường làm việc luôn nóng bức như công nhân cơ khí, công nhân thép… đều có thể bị mụn trứng cá âaf chúng ta gọi là trứng cá nghề nghiệp.
III. ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ:
1.    Mục tiêu điều trị:
-    Quét sạch mụn
-    Ngăn ngừa và giảm tỉ lệ mụn tái phát.
-    Ngăn ngừa cũng như làm giảm thiểu sẹo do mụn trứng cá để lại
2.    Thời gian điều trị khỏi mụn trứng cá:
Thông thường thời gian cần để điều trị khỏi mụn trứng cá khá dài, nó còn tuỳ thuộc vào tình trạng lâm sàng nặng hay nhẹ, có nhiều cách chia cấp độ nặng nhẹ của mụn trứng cá, nhưng thông dụng nhất bác sĩ thường chái ra 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng và tời gian cần để điều trị khỏi như sau:
-    Nhẹ : 4- 8 tuần
-    Trung bình : 3-4 tháng
-    Nặng : 5- 6 tháng
-    Cấp độ đặc biệt nghiêm trọng: Một năm hoặc hơn.
3.    Sự phối hợp trong điều trị:
Bác sĩ: Đảm nhiệm công đoạn khám bệnh, chẩn đoán và xác định cấp đọ , từ đó chỉ định thuốc và các phương pháp điều trị hỗ trợ.
Kỹ thuật viên vật lý trị liệu: có thể dùng các phương pháp như masage da mặt làm cho giản nở cổ chân lông tạo điều kiện cho chất bã nhờn thoát ra ngoài tốt hơn, đắp mặt nạ, dùng kỹ thuật y khoa để lấy bớt mụn đã chín mùi… tất cả các biện pháp vật lý trị liệu phải bảo đảm mục đích tẩy mụn hiện có và ngăn ngừa mụn mới mọc lên.
Bản thân người bệnh: cần phải trung thành với những gì bác sĩ đã tư vấn, dặn dò về ăn uống, nghỉ ngủ…không nên làm bất cứ điều gì có liên quan đến sự nặng thêm của mụn trứng cá cả trong khi điều trị và cả sau khi kết thúc điều trị.
4.    Một số thuốc điều trị mụn trứng cá: (có tính tham khảo)
Tuỳ vào cấp độ nghiêm trọng mà bác sĩ chỉ định phát đồ thích hợp.
*Nguyên tắc: phải kết hợp giữa điều trị tại chỗ và toàn thân. thuốc điều trị phải  đạt được 3 mục đích sau đây:
4.1    . Chống lại sự tăng bài tiết chất bã:
-    Đối với nữ có thể dùng các loại Oestrogen như Ethinyl oestradion liều 0,02 mg – 0,03 mg/ ngày, dùng mỗi đợt 20 ngày; Spironolactone liều 50-100mg/ ngày, uống 1 lần vào buổi sáng và uống 1 tháng.
-    Đối với nam: Có thể dùng Andocur viên 10mg 2-5 viên / ngày; cimetidin liều 600-1200mg/ ngày cũng có tác dụng ức chế sản xuất chất bã.
-    Các chất làm giảm nhờn tại chỗ như biotin, vitamin B6, kẽm.
4.2. Chống lại sừng hoá cổ tuyến bã:
-   Dùng ngoài:
+ Tretinoin dưới các dạng dung dịch 0,05%, gel 0,01-0,25%, cream 0,025-0,05 % . loại này thoa vào ban đêm và chỉ định dùng cho tất cả các thể của mụn trứng cá trừ trứng cá đỏ
+ BenZoyl Proxyd : Có tác dụng chống lại vi khuẩn và góp phần chống sừng hoá cỏ tuýen bã. Thoa ngày 2 lần sáng và tối .
-    Dùng uống :
+ Acide retinoid: accutane 20mg, roaccutane 40mg, acnotin 10mg, soriatane 25mg, liều và thời gian dùng thuốc tuỳ theo từng cá thể và tuỳ theo tình trạng mụn. Loại này vừa có tác dụng chống lại sừng hoá cổ tuyến bã vứa có tác dụng làm giảm số lượng vi khuẩn P. acne. thường chỉ dùng trong các trường hợp trứng cá nặng, dai dẳng, trứng cá bọc, nang, cụm. Không dùng ở phụ nữ có thai và không được có thai trong thời gian điều trị và sau khi ngưng điều trị 1 tháng, trong thời kỳ cho con bú. Không dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi.
+ Các thuốc khác như vitamin B2, Biotin, kẽm
4.3. Chống nhiễm khuẩn:
-    Tại chỗ: Có thể dùng các loại thuôc sau: BenZoyl Peroxyd, Clindamycin 1% , Erytromycin 4%,  Metronidazol 1% dưới dạng gel,cream .
Loại phối hợp cả Tretinoin với kháng sinh để vừa chống lại vi khuẩn vừa chống lại sừng hoá cổ tuyến bã: Erylid ( pháp),  Hiteen gel (korea).
Differin dạng gel, chứa hoạt chất Adapallen (pháp) cũng vừa có tác dụng giảm tiết bã vứa có tác dụng chống nhiễm khuẩn khá tôt.
-    Dùng uống : Tuỳ theo cá thể và tuỳ vào lâm sàng mà có thể quyết định Dùng một trong các loại kháng sinh sau:
+ Tetracyclin, liều dùng 1,5g/ ngày cho 1-2 tuần; 1g/ ngày cho 6-12 tuần; 0,5g/ ngày cho 1 tháng; 0,25g/ngày cho 2 tháng.
+Doxyciclin, liều 200mg/ ngày 6-12 tuần, sau đó giảm còn 100mg/ ngày.
+ Minocycline: 50-100mg/ ngày
+ Metronidazol, liều dùng 500mg/ ngày cho 1 tháng đầu; 250mg/ ngày cho 6 tháng tiếp.
+ Erytromycine: Liều thông thường 1g/ ngày, chia 2 lần.
+Clarithromycin: Liều thông thường 0.5g/ ngày,chia 2 lần.  
+ Clindamycin; Dalacin- T: 150mg uống 2-3 lần/ngày.
+ Dapson: 50-100 mg/ ngày.
5.    Phối hợp với các phương pháp hỗ trợ khác:
Keo nhân tạo: là mọt loại protein tự nhiên được tinh luyện từ trâu,bò hay lợn, nó là một thành phần quan trong trong cấu tạo da. Các sẹo lõm, nếp nhăn chính là một phần do thất thoát loại này, do đó dùng nó để bổ sung điều trị và phòng sẹo sau khi đã điều trị giảm mụn trứng cá là phù hợp nhất, có điều hiện nay cũng khó tìm trên hị trường và cũng khá tón kém.
Mài da hay bào da để xoá sẹo lồi lõm trên da cũng là một phương pháp nhưng các bạn lưu ý rằng khi bào da mặt sẽ tạo ra một làn da rất dễ nhạy cảm, dễ gây dị ứng và tăng sắc tố da về sau.
Thầy thuốc ( cả bác sĩ và những người có liên quan đến chăm sóc da mặt) là người giải toả tâm lý cho người bệnh, giúp người bệnh có tinh thần thoả mái, bài trừ được ưu tư, lo lắng, phiền muộn, loại bỏ căng thẳng về tâm, tạo cho người bệnh có được giấc ngủ tốt là điều hết sức có ích cho kết quả điều trị.
5.    Một số lưu ý đối với người bị mụn trứng cá:
5.1. Rửa mặt: Có thể rửa mặt với các loại sửa, dung dịch, xà bông thuốc có tác dụng làm mềm da, tẩy nhờn và không kích ứng da mặt. lưu ý chỉ cần rửa ngày 2 hoặc 3 lần là vừa, nếu rửa nhiều lần có khi phản tác dụng và dễ làm làn da mặt xây xướt. Rửa mặt rất hết sức nhẹ nhàng và làm đúng theo hướng dẫn, không nên chà xát mạnh sẽ làm tổn thương da mặt là điều tối kỵ trong điều trị mụn trứng cá. Nên rửa một lần vào sáng sớm mới ngủ dậy và một lần trước khi đi ngủ.
Khi chọn chất rửa mặt còn tuỳ thuộc vào loại da, nếu da nhờn thì nên dùng loại vừa có tính chất tẩy nhờn vừa có tính làm mềm da, nếu da khô thì chọn loại chỉ có tính chất làm ẩm da và mềm da thôi vì nếu dùng loại có tính tẩy nhờn sẽ làm cho da bạn khô thêm, dễ gây nóng rát khó chịu.
5.2. Thận trọng khi nặn mụn:
Thao tác nặn mụn thuộc về bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bởi vì nếu người không có kỹ thuật nặn mụn rất dễ làm tổn thương làn da, khi nặn không đúng kỹ thuật sẽ vô tình làm cho vi khuẩn và chất bã đi vào sâu hơn, tạo điều kiện cho mụn dễ trở thành mụn bọc, mụn mủ và abces. hiện nay một số cơ sở thẩm mỹ thường dùng que nặn mụn hay lể mụn là điều không đúng.
5.3. Khi thoa kem trị mụn cần lưu ý:
Vì kem trị mụn có tính lột da nhẹ, do đó khi dùng kem trị mụn sẽ có hai vấn đề mà người bệnh phải biết, đó là:
Thứ nhất, có sự kích thích da tại chỗ gây nóng, rát nhẹ và đỏ da, điều này có người bị, có người không do tính chất da của từng người, nhưng các bạn yên tâm dấu chứng này sẽ được giảm dần và hết sau 3 tuần. vì có tính lột da nhẹ nên có tác dụng làm làn da của bạn sẽ sạch đi và mỏng hơn, chính điều này làm lộ rõ một số mụn mà trước đó bạn không thấy do bị vùi lấp dưới lớp sừng dày, do đó trong 2-3 tuần đầu điều trị bạn cảm thấy như mụn nhiều hơn.
Thứ hai, khi dùng kem trị mụn cá chứa thành phần retinoide acid ( Tretinoin, Retinon, Reti-va) bạn cần phải tránh nắng để tránh sạm da.
5.4. Bạn không nên tự ý mua thuốc để uống, thoa hay mỹ phẩm để tự điều tri mụn mà không có sự chỉ định và tư vẩn của bác sĩ chuyên khoa, vì điều đó vô tình bạn có thể làm cho mụn nặng hơn, dễ làm cho vi khuẩn kháng thuốc, hay làm cho da mặt của bạn có thể xấu hơn do bạn thực hiện chăm sóc sai.
5.5. Lưu ý khi đắp mặt bằng trái cây:
Khi đắp mặt bằng các loại trái cây như dưa leo, cà chua, nha đam…nên biết rằng trong chúng có chứa nhiều vitamin C và có cả acide Malic dễ gây kích ứng và phản ứng dị ứng, đắp mặt với nha đam có thể có tác dụng mát da, săn da, giảm nhăn, nhưng sau khi thành phần có trong nha đam được hấp thu vào da làm làn da trở nên dễ bắt nắng gây sạm da. Do đó chúng tôi khuyên các bạn tốt nhất nên đắp mặt nạ da, sau đây là phương thức làm mặt nạ da các bạn có thể tham khảo:
-    Lòng trắng trứng gà( mới đẻ dưới 10 ngày).
-    5 ml mật ong.
-    3 ml nước chanh vắt.
Tất cả cho vào đánh nhuyễn đắp lên mặt vào sáng sớm mới ngủ dậy khi chưa rửa mặt , để 30 phút sau lột mặt nạ và rửa mặt, mỗi tuần chỉ cần đắp 2-3 lần là vừa. mặt nạ này giúp các bạn tẩy được nhờn da mặt khá tốt và lấy đi một số nhân trứng cá dính theo lớp mặt nạ mà bạn không cần nặn.
5.6. Không dùng các loại mỹ phẩm nếu không được bác sĩ đồng ý, bạn có thể dùng sữa bò tươi để rửa mặt ngày 2 lần cũng tốt vì trong sữa bò có chứa các thành phần vitamin A, D, E…, nhưng giá thành cao và hiệu quả cũng không bền, khi rửa mặt thời gian sữa tiếp xúc với da mặt ngắn nên ngấm và da rất hạn chế, vì thế khi dùn bạn nên tạo điều kiện cho sữa tiếp xúc với da mặt lâu hơn mới cá hiệu quả.
5.7. Có thể kết hợp với châm cứu để cơ thể được thư giãn, lưu thông khí huyết, ổn định tinh thần, đảm bảo giấc ngủ sâu là điều tốt cho điều trị mụn. tuy nhiên bạn không nên lạm dụng các thuốc đông y như “thuốc trị mụn gia truyền”, “hoàng liên giải độc hoàng”, vì những loại này không có căn cứ chứng minh hiệu quả. Càng không nên tự ý mua thuốc giải độc gan để uống, vì sẽ tiền mất tật mang bởi lẽ không phải ai bị mụn cũng do bị yếu gan mà ra.


trứng cá ở ngực

Trứng cá lưng

Trứng cá mụn mủ

 

Trứng cá sẩn mụn mủ

Trứng cá thông thường

Trứng cá bọc

 

Trứng cá mạch lươn

Trứng cá đỏ

Trứng cá nang



Tài liệu tham khảo:
1.    Giáo sư Phạm Văn Hiển, Nhận thức về mụn trứng cá.
2.    Đặng Thị Ngọc Bình, Chiến thắng mụn trứng cá, Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
3.    Giáo sư Đặng Tử Vân, bệnh da nghề nghiệp, nhà xuất bản y học1998.
4.    Thomas B.Fitzpatrik Richard Allen, Johnson Klaus Wolff, Machiel K.Plolano Diek Suurmond, Color atlas and synopsis of clinical Dermatolory.
5.    Aslat dermatologie aof Uniersty Erlangen, depatment of dermatology.
6.  Website emedicin.com/dermatology.

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

Bác sỹ Hoa Tấn Dũng
0983045356
0934994650
Zalo: 0934994650

Địa chỉ : Kiốt Số 02A Đường Võ Liệu -Bên cạnh cổng vào bến xe Quy Nhơn

JLIB_HTML_CLOAKING


BẢN ĐỒ PHÒNG KHÁM

LIÊN KẾ WEBSITE

 

THỐNG KÊ TRUY CẬP

570847
Hôm nay :Hôm nay :21
Hôm qua :Hôm qua :56
Trong tuần :Trong tuần :369
Trong tháng :Trong tháng :1189
Tổng truy cập :Tổng truy cập :570847
LỊCH