BỆNH DA
|
PHÒNG VÀ CHỮA TRỊ BỆNH VIÊM DA TIẾP XÚC
Hoa Tấn Dũng, Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hoà
I. ĐẠI CƯƠNG:
Viêm da tiếp xúc là gì ? Viêm da tiếp xúc còn gọi là chàm tiếp xúc, Là biểu hiện bất thường của da có liên quan đến chất mà bạn đã và dang tiếp xúc. Mức độ trầm trọng tuỳ thuộc vào loại chất mà bạn tiếp xúc, tuỳ thuộc vào thời gian tiếp xúc dài hay ngắn và tuỳ cơ địa của từng cá thể.
Một số người xem bệnh ngoài da chỉ là một chút phiền toái, nhưng đối với phần lớn người khác thấy chúng là nguyên nhân lớn nhất cho sự bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, là nguyên nhân lớn ảnh hưởng xấu đến tâm lý và cuộc sống của họ.
Viêm da tiếp xúc có thể là do nghề nghiệp vì bạn phải tiếp xúc thường xuyên, nhưng cũng có khi chỉ là vô tình tiêp xúc phải trong sinh hoạt hay lao động. Viện nghiên cứu quốc gia về an toàn và y tế nghề nghiệp Hoa Kỳ cho rằng: viêm da tiếp xúc nghề nghiệp là một thực trạng rất phổ biến và là một khó khăn về mặt y tế lao động có tính thời sự nhất ở hoa kỳ. Viêm da tiếp xúc được chia ra làm hai nhóm là viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng.
1. VIÊM DA TIẾP XÚC KÍCH ỨNG( Irritant Contact Dermatitis)
Không phải mọi trường hợp viêm da và phát ban sau khi bạn đã tiếp xúc với chất gì đó đều là do dị ứng mà có thể là dị ứng, tức là có thể liên quan đến phản ứng miễn dịch nhưng cũng có thể là không dị ứng mà là do trình trạng kích ứng tại chỗ gây ra, phản ứng này hoàn toàn không liên quan đên phản ứng miễn dịch mà chỉ là phản ứng nhiễm độc da tại chỗ mà thôi. Những trường hợp này gọi là viêm da tiếp xúc do kích ứng. Phản ứng nhiễm độc trong viêm da tiếp xúc kích ứng có thể xảy ra bất kỳ với cá thể nào khi có tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng, dĩ nhiên là mức độ ở mỗi cá thể có khác nhau. Đơn cử một số chất có thể gây kích ứng như: A cide, bazơ mạnh, sơn và các loại dung môi như cồn 90 độ, acetone, nhựa thông, dung môi tẩy rửa và chất nhũ hoá, vôi tôi, xi măng, xà phòng có độ kiềm cao hoặc có chứa chất tẩy mạnh, thuốc tẩy, tia cực tím….
Mức độ kích ứng của da ở mỗi cá thể sẽ khác nhau vì sự dung nạp về sự kích thích của mỗi người khác nhau. Đó là do sự khác nhau về độ dày của lớp thượng bì do di truyền của từng người khác nhau, do mức độ sinh sản ra chất nhờn có tính chất bảo vệ da mỗi người mỗi khác. Người có mồ hôi nhờn ít bị kích ứng hơn những người có da khô. Ngoài ra mức độ kích thích còn phụ thuôc vùng da cơ thể bị tiếp xúc cũng như các nhân tố gây kích ứng ở môi trường và mức độ kích thích của chúng . Ví dụ lớp da mỏng ở mí mắt, da mặt do dễ thẩm thấu hơn nên dễ kích ứng hơn da ở các chi và thân mình. Những vùng da thường xuyên ẩm ướt do mồ hôi nhiều và liên tục cũng dễ kích ứng hơn vùng da bình thường vì có sự tăng mức độ thẩm thấu tại chỗ (Ví dụ như vùng nách, bẹn, vùng nếp gấp). Trái lại những người có làn da khô, độ ẩm da thấp, da nứt nẻ cũng dễ bị kích ứng hơn những người có làn da bình thường.
2. VIÊM DA TIẾP XÚC DỊ ỨNG ( Allergic Contact Dermatitis)
Khác với viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng là một trình trạng viêm da dị ứng có sự tham gia phản ứng của hệ miễn dịch. Tác nhân gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng không phải xảy ra ở bất kỳ ca thể nào mà nó chỉ ảnh hưởng đến một số cá thể nào đó có cơ địa dị ứng với chúng mà thôi. Thương tổn lâm sàng khác với viêm da tiếp xúc kích ứng ở chỗ thương tổn không những khu trú tại nơi tiếp xúc mà còn lan ra vùng da không tiếp xúc, đôi khi phản ứng dị ứng phát ban toàn thân.
Cơ chế gây viêm da tiếp xúc dị ứng hoàn toàn khác với viêm da tiếp xúc kích ứng. Viêm da tiếp xúc Dị ứng không thể bị ngay lần tiếp xúc đầu tiên mà cơ thể bạn chỉ có thể bị dị ứng khi bạn tiếp xúc với chính chất đó ở các lần tiếp xúc tiếp theo. Thời gian từ khi tiếp xúc cho đến khi bị dị ứng có thể là vài ngày, vài tuần, vài tháng, vài năm, thậm chí là nhiều năm sau đó. Thời gian từ lần tiếp xúc đầu tiên đến khi xuất hiện triệu chứng dị ứng gọi là thời kỳ mẫn cảm. Khi cơ thể bạn đ bị mẫn cảm thì chỉ cần một lượng dị ứng nguyên rất nhỏ cũng đủ gây ra các triệu chứng dị ứng, đây là lý do tại sao bạn lm nghề gì đó nhiều năm nay không hề gì nay lại bị dị ứng v điều trị đỡ rồi bị lại, lý do bị lại vì người bệnh không thể không tiếp xúc lại do nghề nghiệp hay khi bệnh nhân đ chuyển đổi nghề mà dư lượng khng thể cịn tồn đọng trong cơ thể người bệnh chưa thể đào thải hết.
Các nguyên nhân thường gây viên da tiếp xúc:
· Nikel(kền): Có ở Khuyên tai, kẹp tóc, móc áo ngực, bút nịt, nút quần jean, đồng hồ, chì khoá…; gặp ở phụ nữ và ngườ trẻ tuổi.
· Crôm: có nhiều trong Xi măng, chất thuộc da, tro một số loại gỗ, que diêm…Hay gặp ở thợ xây dựng, thợ thuộc da, thợ đóng sửa giày…
· Cao su: Găng tay, giày ủng, vỏ lốp xe, nêm mút, băng thun…Hay gặp ở những người làm thợ cao su, thợ sửa xe, thợ làm salon nệm, những người buôn bán hàng.
· Nhựa thơm peru: Có trong nước hoa, xà phòng thơm, thuốc tẩy, mỹ phẩm…Thường gặp ở phụ nư.
· Formaldehyde: Dầu gội đầu, xà bông, kem đánh răng, mỹ phẩm…
· Paraphenylene diamine: Thuốc nhuộm tóc, xi dánh giày, vải màu đen.
II. CÁC DẤU HIỆU VÀ TRIÊU CHỨNG CỦA VIÊM DA TIẾP XÚC
1. Viêm da tiếp xúc kích ứng:
Nói chung các dấu hiệu và triệu chứng của viêm da tiếp xúc kích ứng về mặt lâm sàng đôi khi rất khó phân biệt với viêm da tiếp xúc dị ứng. Mức độ nặng nhẹ còn phụ thuộc vào chất kích thích thuôc nhóm huỷ hoại da mạnh hay yếu, nồng độ của chúng và thời gian da tiếp xúc với chúng dài hay ngắn. Nếu tiếp xúc với tác nhân có tính chất huỷ hoại, ăn mòn da mạnh, gây bỏng thì triệu chứng xuất hiện ngay sau khi tiếp xúc vài phút, ví dụ như bỏng nắng do tia cực tím trong ánh sáng mặt trời, acide, bazơ mạnh, keo dán…. Ngược lại những chất có tính kích ứng nhẹ thường xuất hiện chậm hơn, có thể sau nhiều lần tiếp xúc liên tiếp mới có thể xuất hiện triệu chứng.
Đối với những trường hợp kích ứng quá mạnh có thể gây bỏng da, nổi bọng nước, mụn nước, đỏ da, chợt loét da, tiết dịch dầm dề, sưng nề, phù cứng và gây đau, nóng rát hơn là gây ngứa. Ngược lại đối với những trường hợp nhẹ và xuất hiện chậm thường gây khô da, bong vảy da, nứt da và gây ngứa hay cảm giác châm chích chứ không đau. Tất cả các thương tổn không có xu hướng lan rộng ra xa nơi tiếp xúc và không có phản ứng phát ban toàn thân.
2. Viêm da tiếp xúc dị ứng:
* Trường hợp cấp tính: Thường xuất hiện đỏ da trước sau đó phù nề, nổi nhiều mụn nước và có cả bọng nước, tiết dịch nhiều, ngứa nhiều hoặc ít. Thương tổn có xu hướng lan ra xung quanh và cả những vùng da khác xa nơi tiếp xúc.
* Trường hợp bán cấp: Đỏ da, có thể có phù hoặc không, mụn nước ít, trên bề mặt có nhiều vảy tiết, ngứa nhiều.
* Trường hợp mạn tính: Có thể là do lâu không điều trị hoặc do gãi nhiều làm thương tổn liken hoá, thương tổn là mảng da dày, khô, bề mặt có vảy trắng khó bong, ngứa rất nhiều.
III. XÁC ĐỊNH TÁC NHÂN GÂY BỆNH:
1. Đối với một số trường hợp xảy ra ngay vài lần đầu tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc kích ứng do nhựa thông, tia cực tím, vôi tôi hoặc bệnh có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp như thợ xây, công nhân thuộc da chẳng hạn thì vấn đề xác định tác nhân gây bệnh không mấy khó khăn.
2. Ngược lại khi tiếp xúc với nhiều chất khác nhau và chất có tính kích ứng nhẹ trong một thời gian dài mới xuất hiện triệu chứng viêm da tiếp xúc thì vấn đề xác định tác nhân gây bệnh trở nên khó khăn hơn nhiều, trường hợp này cần phải khai thác rất kỹ về tiền sử tiếp xúc với những loại chất gì trước đó, khi đó chúng ta mới có cơ sở loại trừ và khu trú những chất nào có thể là tác nhân gây bệnh. Những trường hợp đặc biệt khó cần làm kỹ thuật thử nghiệm áp bì (test) sau khi đã khu trú một số chất nghi ngờ để xác định chắc chắn tác nhân gây bệnh.
3. Thử nghiệm áp bì xác định nguyên nhân gây dị ứng:
3.1. Thử nghiệm áp bì là gì ?: Dựa trên nguyên lý lấy chất nghi ngờ là dị ứng nguyên một lượng nhỏ tuỳ theo độc tính của dị nguyên cho phù hợp, áp và giữ cố định trên vùng da bình thường, sau 60 giờ - 72 giờ thì đọc kết quả dựa vào sự thay đổi trên da vùng làm thử nghiệm mà xác định là dương tính hay âm tính với dị nguyên đó.
3.2. kỹ thuật:
* Dị nguyên:
- Chất lỏng: lấy khoảng 2-3 ml,
- Chất rắn: lấy 1 mẩu nhỏ khoảng 0,2 x 0.3 cm.
- Chất bột: lấy khoảng 0,5-1 gam.
- Chất đặc: lấy khoảng 0,5-1 gam.
* Kỹ thuật:
- Dùng ête lau sạch vùng da chuẩn bị làm thử nghiệm.
- Các dị nguyên được cho và mỗi ô trong bộ sêri test .
- Đặt dị nguyên lên vị trí da vừa lau sạch.
- Nếu không có bộ sêri test thì có thể lấy dị nguyen (là chất rắn, bột, mỡ, nhão, dung dịch… ) cho từng chất đó lên mỗi miếng gạc(2x2cm) đã chuẩn bị sẵn sau đó đặt tất cả lên một miếng giấy bóng kính khoảng 5x5 cm, sau đó mới cố định miếng giấy bóng kính lên da, cần băng cố định kỹ vì thời gian đóc kết quả lâu.
- Dùng bút ghi đánh dấu từng loại dị nguyên để khỏi nhầm .
- Đánh dâú một vị trí thử nghiệm chứng không dùng bất cứ dị nguyên nào để so sánh.
* Đọc kết quả:
- Âm tính: Da không có sự thay đổi.
- Nghi ngờ: Da chỉ hồng nhạt và không ngứa.
- Dương tính:
+ Dương tính yếu (+): Đỏ da, có thể thâm nhiễm( sờ vào thấy cứng), có thể có sẩn.
+ Dương tính mạnh (++): Đỏ da, thâm nhiễm cứng và mụn nước.
+ Dương tính rất mạnh(+++): Xuất hiện nhiều mụn nước và bọng nước.
3.3. một số việc cần lưu ý khi tiến hành làm thử nghiệm áp bì:
· Thông báo cho bệnh nhân mang theo tất cả các chất nghi ngờ là dị ứng nguyên để làm test.
· Giải thích cho người bệnh biết để người bệnh hợp tác, vì trong suốt thời gian làm test vùng da ấy có thể đỏ và ngứa.
· Đọc kết quả sau 60 đến 72 giờ, do đó cần cố định chắc không rơi ra cho đến khi đọc kết quả.
· Bạn không nên tắm hay làm ướt vùng da làm test.
· Không nên hoạt động nhiều và nặng gây tiết nhiều mồ hôi làm ướt sũng vùng làm test.
· Tránh va chạm mạnh vào vùng da đang thử nghiệm.
· Tránh tiếp xúc vùng da đang thử nghiệm với ánh nắng mặt trời.
IV. PHÒNG NGỪA VÀ CHỮA TRỊ:
1. Biện pháp tốt nhất vẫn là tránh tiếp xúc với chất mà bạn nghi nghờ là tác nhân gây viêm da cho bạn. Nếu chẳng may bạn mắc phải thì bạn ghi nhớ vào sổ tay và đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu là cần thiết để được tư vấn và điều trị ngay.
2. Trong trường hợp không thể tránh né được do tính chất công việc hay nghề nghiệp thì bạn nên áp dụng một số biện pháp như mặc áo quần bảo hộ lao động, mang găng tay dài, mang mặt nạ, khẩu trang lọc không khí….để ngăn ngừa không cho tác nhân gây bệnh có cơ hội tiếp xúc với da của bạn.
Bạn có thể dùng kem bảo vệ cũng là một biện pháp phòng hữu hiệu, ở Hoa Kỳ một số kem phòng vệ có bán trên thị trường như Wonder glove, Dermaffin, Dermashild có khả năng bảo vệ da bạn 04 giờ sau khi thoa lên một lớp mỏng lên da bạn. Mặt khác chính các loại kem bảo vệ này còn có tác dụng làm mềm da, ẩm da tránh cho da không bị khô và nứt nẻ cũng phòng được nguy cơ gây kích ứng da. Tuy nhiên để an toàn hơn bạn nên kết hợp cả hai phương pháp để hiệu quả phòng bệnh được cao hơn.
Một số biện pháp khác nhằm làm giảm kích thích tại chỗ khi bạn rửa bát, nấu ăn hay giặt quần áo(còn gọi là bệnh chàm của các bà nội trợ) bao gồm: không cho tay vào nước nóng, nước xà bông, nước rửa bát, cũng cần chú ý với các loại rau cải, cà chua, nhất là hành tây và mủ đu đủ sống khi bạn làm nội trợ vì chúng là những tác nhân thường gây ra viêm da cho các bà nội trợ. Ngoài ra bạn nên cố gắng sắp xếp làm công việc có dính dáng đến nước vào một lần trong ngày để tránh cho tay, chân của bạn khỏi bị ướt liên tục, dễ bị kích ứng da.
Một vấn đề cần lưu ý nữa là bạn đừng bao giờ dùng bàn chải bào mòn bằng polyster hay loại vải nylon để chà, cọ rửa da khi tắm rửa bởi vì các loại này cọ xát lên bề mặt da rất mạnh làm cho làn da của bạn trở nên dễ nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn.
3. Chữa trị:
3.1. Thương tổn nặng, cấp tính và lan rộng:
- Chống viêm và phù nề: Dùng Corticosteroide đường uống liều trung bình và giảm dần trong thời gian ngắn( 3 tuần).
- Chống ngứa : Dùng 1 hay 2 loại kháng histamine đường uống.
- Nếu có nhiễm khuẩn hay nguy cơ nhiễm khuẩn có thể dùng kháng sinh tại chỗ hay uống.
- Dùng Corticosteroide dạng gel tại chỗ hoặc bôi hồ nước cho đến khi thương tổn khô.
3.2. Thương tổn vừa và nhẹ không cấp tính:
- Có thể dùng Corticosteroide đường uống hoặc không tuỳ vào lâm sàng. Chống ngứa bằng kháng histamine đường uống.
- Corticosteroide dạng kem hoặc mỡ bôi tại chỗ.
3.3. Thương tổn mạn tính:
- Chống ngứa bằng kháng histamine.
- Dùng mỡ Corticosteroide tác dụng trung bình kết hợp với salisic 5% bôi tại chỗ.
V. LIỆT KÊ MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN VÀ BỆNH HAY GẶP TRONG VIÊM DA TIẾP XÚC CÓ KHUYNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP:
1. Nông dân: Cây cối, thảo mộc, địa y, phân bón, phân chuồng, thuốc trừ sâu, găng, ủng cao su, kháng sinh trong thuốc bảo vệ thực vật.
2. Nhóm nghê sĩ: Chất tẩy rửa tay
- Hoạ sĩ: Dầu nhưạ thông, dầu pha sơn, crôm, nhựa epoxy và acrilic, dầu lanh, cồn thuốc có chứa ni tơ
- Nhà điêu khắc: Đất sét, bụi đa, nhựa dẻo, kim loại.
- Thợ in: A cid, niken, crôm, keo và dung môi.
- Thợ làm gốm: Đất sét, cồn thuốc.
3. Thợ máy sửa chữa ô tô: Dầu hoả, diezen, xăng, nhớt,cao su, crôm, niken , chì, sơn và dung môi, nhựa epoxy và acrilic, keo và chất tẩy rửa.
4. Thợ cắt tóc và săn sóc thẩm mỹ: Thuốc gội đầu, thuốc nhuộm, sơn móng tay - chân, ôxy già, các chất ôxy hoá khử, chất tẩy trắng da và tẩy sơn, keo xịt tóc, son môi và mỹ phẩm khác.
5. Thợ xây dưng: xi măng, vôi tôi, nhựa epoxy, keo, các chất có chứa crom trong xây dựng, nhựa thông, gỗ, những vật liệu bằng sợi thuỷ tinh.
6. Thợ mộc và công nhân chế biến gỗ: gỗ cây sơn, gỗ sồi, nhựa cây, vecni, sơn..
7. Nghề làm đồ hộp: Một số loại hải sản, các loại quả như cam, chanh, dứa, các loại gia vị, crôm, chất diệt côn trùng, chất bảo quản.
8. Nha sĩ và người làm công tác y tế: Kháng sinh, thuốc tê, thạch cao, găng cao su, nhiễm trùng( vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng), chất đơn phân acrilic không lưu hoá, các loại dầu dùng trong nha khoa, nhựa trùng hợp, thuỷ ngân, dung dịch tẩy rửa và xà phòng.
9. Thợ điện và công nhân có tiếp xúc với kim loại: Oxyt cacbon, acetone, sơn, vải nhựa cách điện, niken, chất ôxy hoá, crôm, nhựa thông, cao su…
10. Thợ làm vườn và công nhân trang trại: Cây cối, thảo mộc, hương và phấn hoa, phân bón, chất diệt côn trùng, phân chuồng, nấm…
11. Thợ làm mũ và nghề may: Lông, len, keo, niken( móc quần, nút mạ kim loại,
12. Nội trợ: Bột ngũ cốc, bột mì, hương từ các loại thảo mộc, rau cải, hành tây, cà chua, mủ đu đủ, gia vị, quả và các loại hạt, chất tẩy rửa bát đĩa, chất tẩy lau chùi nhà, xà phòng giặt áo quần.
13. Thợ làm đồ trang sức: Bạch kim, niken, acide chlohydrite, acide sunfurite, muối crom, sơn, keo, chất đánh bóng và dung môi.
14. Thợ chụp ảnh: Chất hiện hình, chất ôxy hoá và chất khử ôxy.
15. Cán bộ làm văn phòng: Giấy photocoppy, giấy cacbon, chất dẻo( bút, bàn phím máy vi tính), niken( kẹp giấy).
Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Minh Đức- Hồ Kim Chung, Bệnh dị ứng phòng ngừa và trị liệu, Nhà xuất bản Y học năm 2000.
2. Lâm sàng da liễu, nhà xuất bản y học năm 2002.
3. GS LêTử Vân, bệnh da nghề nghiệp, nhà xuất bản y học1998.
4. Prreya kullaranijaya, MD. Guidalines of investigation and treatment for dermatological serviees.
5. Website emedicin.com / dermatology / dermatitis and immuno
Tin mới
- PHÒNG CÁC BỆNH DỊ ỨNG - 30/12/2011 08:55
- BỆNH VẢY NẾN - 30/12/2011 08:55
- VẢY PHẤN HỒNG - 30/12/2011 08:55
- VIÊM QUẦNG( ERYSIPELAS) - 30/12/2011 08:55
- VIÊM DA MỦ SÙI - 30/12/2011 08:55
- XƠ CỨNG BÌ TOÀN THỂ - 30/12/2011 08:55
- NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP ZONA THỂ HẠCH GỐI GÂY LIỆT ½ MẶT - 30/12/2011 08:55
- ZONA ĐẾN MUỘN - 30/12/2011 08:55
Các tin khác
- PHÒNG CÁC BỆNH DỊ ỨNG - 30/12/2011
- BỆNH VẢY NẾN - 30/12/2011
- VẢY PHẤN HỒNG - 30/12/2011
- VIÊM QUẦNG( ERYSIPELAS) - 30/12/2011
- VIÊM DA MỦ SÙI - 30/12/2011
- XƠ CỨNG BÌ TOÀN THỂ - 30/12/2011
- NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP ZONA THỂ HẠCH GỐI GÂY LIỆT ½ MẶT - 30/12/2011
- ZONA ĐẾN MUỘN - 30/12/2011
- BỆNH CHỐC (Impetigo) - 29/12/2011
- BỆNH DỊ ỨNG - 29/12/2011